(NTO) Từ thực hiện chương trình đã hình thành những thửa ruộng, cánh đồng, xứ đồng bằng phẳng, chủ động nước, tạo điều kiện thuận lợi để nông dân đầu tư thâm canh tăng năng suất. Đồng chí Lê Nhượng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bác Ái, nhìn nhận: “Chương trình thực sự có hiệu quả, làm nền tảng thúc đẩy sản xuất nông nghiệp ở địa phương phát triển, tạo tiền đề thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hình thành các vùng chuyên canh theo hướng sản xuất hàng hóa”.
Nhiều khu đất hoang hóa được cải tạo trồng lúa có hiệu quả
Về thôn Đá Trắng, xã Phước Tân, chúng tôi được đồng chí Trần Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND xã đưa đi thăm cánh đồng lúa đông-xuân rộng 6 ha xanh tốt. Ít ai nghĩ rằng khu vực này trước đây là hoang hóa. Nhờ được hưởng lợi từ chương trình, bà con đã san ủi, đắp bờ cải tạo đất rẫy thành đất trồng lúa. Đồng chí Trần Văn Toàn, cho biết: “Qua hai vụ trồng lúa đều thắng lợi, năng suất đạt 5 tấn/ha. Việc cải tạo đất, chuyển đổi từ trỉa bắp sang trồng lúa nước giúp nhiều hộ dân đảm bảo được lương thực, không phải lo ăn từng bữa như trước đây”.
Ở xã Phước Trung cũng có 40 hộ được hưởng lợi từ chương trình. Quá trình thực hiện, chính quyền giám sát chặt chẽ, những hộ đã cải tạo đất nhưng không đưa vào sản xuất thì cương quyết không cho nhận tiền hỗ trợ. Chính cách làm này, hàng chục ha đất khai hoang, phục hóa được sử dụng triệt để. Nông dân Chamaléa Anh ở thôn Đồng Dày được hỗ trợ 10 triệu đồng cải tạo 1 ha đất bỏ hoang lâu nay sang trồng lúa. Sau vài vụ sản xuất nhà anh không những đủ ăn, mà còn có lương thực bán. Anh thổ lộ: “Trước đây làm rẫy khổ lắm. Năm nào có mưa thì được khoảng chục gùi bắp, gặp hạn mất trắng. Đói quá nên phải vào rừng chặt măng về bán lấy tiền mua gạo. Làm ruộng lúa đỡ vất vả, mau thu hoạch, năng suất cao. Nhà mình hiện nay không lo thiếu gạo nữa”.
Đồng chí Chamaléa Hiếu, Bí thư Đảng ủy xã Phước Trung, bộc bạch: “Chương trình có ý nghĩa thiết thực, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước đối với bà con nông dân ở những vùng khó khăn. Hàng nghìn hộ nghèo nhờ được hưởng lợi từ chương trình nên có đất sản xuất, không lên rừng chặt cây làm rẫy nữa”. Không riêng gì các xã trên, mà hộ nghèo ở những xã Phước Thắng, Phước Thành, Phước Chính… sau một thời gian ngắn được hưởng lợi từ chương trình cuộc sống cũng khá lên rõ rệt.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện chương trình còn bộc lộ những hạn chế. Vẫn còn một số hộ dân sau khi được hỗ trợ khai hoang, phục hóa, tạo ruộng bậc thang chậm đưa vào sản xuất, hoặc sản xuất chưa đầu tư đúng mức nên năng suất thấp. Trong khi đó, công tác tổ chức thẩm định, giám sát, nghiệm thu chương trình của các phòng, ban chức năng chưa chặt chẽ, không sát với thực tế. Quá trình triển khai chương trình thiếu sự thống nhất giữa UBND các xã với các phòng, ban chuyên môn; việc bình xét đây đó còn thiếu khách quan, dẫn đến có đối tượng là hộ nghèo nhưng chưa được hưởng lợi từ chương trình.
Theo quy hoạch sản xuất nông nghiệp và chuyển đổi cơ cấu cây trồng của huyện Bác Ái, từ nay đến năm 2020 địa phương tiếp tục hỗ trợ nông dân khai hoang, phục hóa, tạo ruộng bậc thang khoảng 4.300 ha. Cơ hội cho những hộ nghèo có đất sản xuất vì thế rất lớn. UBND huyện đang chỉ đạo các phòng, ban chức năng tiến hành khảo sát, xác định nhu cầu, năng lực của người dân để hỗ trợ; đồng thời tổ chức tuyên truyền để mọi người hiểu được ý nghĩa của chương trình, từ đó sử dụng đất đúng với mục đích, có hiệu quả.
Tuấn Anh