Giao quyền cho các trường đại học:

Chuyển dịch sang mô hình Nhà nước giám sát

Việc trao quyền tự chủ cho các loại hình trường khác nhau là biện pháp khả thi để giải quyết bài toán lớn của giáo dục đại học hiện nay

Với mục tiêu tạo bước đột phá trong phát triển giáo dục, nhất là giáo dục đại học, một lần nữa, vấn đề tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ sở giáo dục đại học lại được các nhà quản lý, nhà khoa học tập trung bàn thảo. Song cơ chế nào để quyền tự chủ- tự chịu trách nhiệm của các cơ sở giáo dục đại học thực sự mang lại hiệu quả, góp phần tích cực trong việc đào tạo nguồn nhân lực cao phục vụ sự phát triển của đất nước là điều xã hội quan tâm.

Giao quyền tự chủ cho các trường đại học là điều không có gì mới mẻ ở các nước phương Tây, bởi khi được hệ thống giáo dục đại học một nước công nhận “danh xưng đại học” thì cũng đồng thời trường đó được trao quyền tự chủ ở mức độ cao nhất. Tuy nhiên, đây cũng không phải là hiện tượng phổ biến ở mọi nơi.

Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, hiện có 4 mô hình quản trị đại học với các mức độ tự chủ khác nhau. Đó là mô hình hoàn toàn không tự chủ(do Nhà nước kiểm soát) như ở Malaysia, mô hình bán tự chủ ngày càng phổ biến như ở Pháp và New Zealand, mô hình bán độc lập như ở Singapore và mô hình độc lập như ở Anh, Australia. Báo cáo cũng cho biết: Xu hướng chung trên toàn cầu là thay đổi từ mô hình Nhà nước kiểm soát sang các mô hình có mức độ tự chủ cao hơn – hay nói cách khác là chuyển dịch từ mô hình Nhà nước kiểm soát sang mô hình Nhà nước giám sát.

Ở Việt Nam, thời gian qua, việc giao quyền tự chủ được tổ chức thí điểm ở 5 trường Đại học và đã đạt được một số thành quả bước đầu. Đó là cơ sở để Bộ Giáo dục –Đào tạo tiếp tục mở rộng thí điểm tới những trường Đại học công lập “tốp đầu”, có cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên tốt như Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia TP HCM, các trường Đại học Sư phạm, Bách khoa, Y Hà Nội và Đại học Ngoại thương được tự chủ trong công tác tuyển sinh.

Trên thực tế, khi nhu cầu học tập ở bậc đại học ngày càng tăng, sự phát triển mạnh mẽ hệ thống các trường đại học-cao đẳng, đòi hỏi ngày càng cao của thị trường lao động cũng như như sự phát triển nhanh chóng của khoa học-kỹ thuật thì cách quản lý bằng sự kiểm soát tuyệt đối của Nhà nước ngày càng tỏ ra kém hiệu quả. Thực tế cũng khó tạo ra sự công bằng nếu áp dụng cùng một phương pháp quản lý cho tất cả các trường đại học khi mỗi trường có vai trò, điều kiện và bối cảnh hoạt động khác nhau.

Về nguyên tắc, giao quyền tự chủ là tạo điều kiện cho trường chủ động quá trình tiếp cận nhu cầu xã hội để xác định qui mô đào tạo phù hợp. Sự tồn tại, phát triển của trường đại học phụ thuộc vào uy tín của từng trường. Mà uy tín thì được khẳng định thông qua chất lượng đầu ra của sinh viên. Với ý nghĩa đó, tự chủ phải đi liền với tự chịu trách nhiệm. Trách nhiệm giải trình với Nhà nước, xã hội về tài chính, học phí, chất lượng đào tạo. Các trường đại học khi đã đáp ứng đủ các tiêu chí về đảm bảo chất lượng, đội ngũ giảng viên thì sẽ được Bộ GD-ĐT giao quyền tự chủ trong việc quyết định chương trình đào tạo, chỉ tiêu tuyển sinh, hợp tác quốc tế và mức thu học phí theo nguyên tắc bù đắp thu chi.

Vì vậy, việc trao quyền tự chủ với các mức độ khác nhau cho các loại hình trường khác nhau là biện pháp khả thi để giải quyết bài toán lớn của giáo dục đại học hiện nay. Đó là: mở rộng tiếp cận giáo dục đại học cho mọi đối tượng nhưng vẫn đảm bảo chất lượng để đạt được mục tiêu phát triển nhân lực và tăng tính cạnh tranh quốc gia. Khi giao quyền tự chủ cho những trường đủ điều kiện về năng lực, Nhà nước có điều kiện kiểm soát chặt chẽ và hữu hiệu những trường chưa đảm bảo chất lượng đào tạo. Những trường được tự chủ cũng sẽ có điều kiện phát huy tính sáng tạo của mình, đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của thị trường nhân lực, trụ vững trước thách thức của sự cạnh tranh từ các trường đại học trên thế giới. Nói cách khác là đảm bảo chất lượng đào tạo - vấn đề đang gây bức xúc lớn trong xã hội và giải quyết bài toán công bằng xã hội trong tiếp cận giáo dục Đại học. Bởi thực tế, theo báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 12, hầu hết các trường đại học, nhất là đại học địa phương, đại học mới thành lập đều tuyển sinh vượt từ 150-200% năng lực đào tạo, khiến nguồn đầu tư của nhà nước cho mỗi sinh viên trong một năm giảm từ 6-8 triệu đồng xuống còn 2-3 triệu đồng, ảnh hưởng lớn tới chất lượng sinh viên ra trường.

Tự chủ luôn đi liền với tự chịu trách nhiệm. Một khi tính trách nhiệm đối với quyền tự chủ của các trường chưa cao, thì tự chủ ấy dễ sinh ra “tự tung tự tác”, nếu không có biện pháp quản lý chặt chẽ sẽ chỉ làm nhiễu loạn hoạt động giáo dục nước nhà; nếu các trường đại học cứ mải mê chạy theo số lượng, lợi nhuận mà không quan tâm đến chất lượng đào tạo thì các trường ấy sẽ bị người học quay lưng, bị xã hội tẩy chay. Đó cũng là lý do khiến vấn đề giao quyền tự chủ cho các trường đại học trở thành một trong những điểm mấu chốt của Luật Giáo dục Đại học sắp được Quốc hội thông qua vào kỳ họp tới. /.

Nguồn VOV Online