Đổi mới giáo dục đại học ở Việt Nam - thực trạng và giải pháp

Đó là chủ đề hội thảo do ĐHQG Hà Nội vừa được tổ chức dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận . Tham gia hội thảo có đại diện của Bộ GD&ĐT, Bộ KHCN, cùng lãnh đạo và các nhà khoa học, quản lý giáo dục của ĐHQGHN.

Với mục đích chỉ ra những vấn đề của hệ thống giáo dục đại học ở nước ta hiện nay, trên cơ sở đó có những giải pháp đưa giáo dục đại học Việt Nam tiếp cận quốc tế trong bối cảnh mới, tại hội thảo các đại biểu đã đề cập đến nhiều vấn đề lớn của giáo dục đại học như: phân tầng đại học ở Việt Nam, tự chủ đại học, kiểm định chất lượng giáo dục, nâng cao chất lượng và hiệu quả trong xây dựng và tổ chức thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ theo hướng tiếp cận sản phẩm đầu ra; xu thế phát triển của giáo dục đại học thế giới và các mô hình trường đại học …

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận chủ trì hội thảo.

Theo GS.TS Mai Trọng Nhuận – Giám đốc ĐHQG Hà Nội, sự phát triển của nền giáo dục đại học đã trở thành thước đo cho sự phồn thịnh của mỗi quốc gia. Các trường đại học “tinh hoa mới” là các đại học nghiên cứu đa ngành, đa lĩnh vực hàng đầu của mỗi quốc gia đào tạo nguồn nhân lực tài năng, chất lượng cao, nghiên cứu khoa học đỉnh cao, đóng vai trò hoa tiêu, dẫn đầu, tiên phong và trụ cột cho cả nền giáo dục đại học của đất nước, đó là hội nhập và cạnh tranh, phát triển bền vững trong bối cảnh toàn cầu hóa. Các trường đại học mới cần phải có quyền tự chủ rất cao để thực hiện sứ mệnh đặc biệt của mình. Quyền tự chủ không phải là đặc quyền, mà là khả năng giúp trường đại học mang lại lợi ích công và ứng phó kịp thời trước những thay đổi nhanh của cuộc sống.

Đề xuất cho đổi mới giáo dục đại học, GS,TSKH Vũ Minh Giang, Phó Giám đốc ĐHQGHN cho rằng: Ccần xác định đúng giáo dục đại học là đào tạo nguồn nhân lực, phải đa dạng, phân tầng; lấy đầu ra làm tiêu chí để xác định mục tiêu đào tạo; dạy và học theo phương châm biết cách tìm kiến thức, biết cách làm chứ không phải biết nhiều thứ cụ thể; thực sự coi giáo dục là quốc sách hàng đầu; phân định rõ tự chủ đại học và quản lý nhà nước; coi trọng năng lực và phẩm chất người thầy.

Bàn về vấn đề phân tầng đại học, PGS.TS Nguyễn Văn Nhã, trưởng ban đào tạo ĐHQGHN khẳng định đây là vấn đề hết sức cần thiết vì nó sẽ làm cho việc đầu tư của nhà nước và xã hội cho các trường đại học có hiệu quả; đồng thời, các trường đại học lựa chọn và xác định được chính xác nhu cầu của xã hội và mục tiêu đào tạo của nhà trường hơn; sinh viên cũng dễ dàng lựa chọn trường đại học để theo học. Trên thực tế đang có khái niệm đại học trọng điểm quốc gia Việt Nam. Đó là những đại học cấp vùng và cấp quốc gia, trường đại học và học viện hàng đầu của quốc gia được chính phủ ưu tiên giao quyền tự chủ. Theo kế hoạch của chính phủ sẽ xây dựng 20 trường đại học và nghiên cứu trọng điểm quốc gia có trình độ đào tạo và nghiên cứu tiên tiến làm đầu tầu cho sự phát triển mạng lưới các trường đại học Việt Nam...

Hội thảo Đổi mới giáo dục ĐH ở Việt Nam - thực trạng và giải pháp.

Về vấn đề tự chủ, TS. Hoàng Thị Xuân Hoa – Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục – ĐHQGHN nhấn mạnh một trong những vấn đề cơ bản của quản trị đại học tiên tiến là tự chủ của trường đại học. Mặc dù đây là vấn đề được bàn thảo tới nhiều và được đề cập tới nhiều trong các văn bản pháp quy của Nhà nước nhưng đây vẫn được xem là vấn đề “nóng”. Vậy cốt lõi của tự chủ đại học là gì? Nên trao quyền tự chủ cho các cơ sở GD ĐH như thế nào và cần thực hiện tự chủ như thế nào để đảm bảo mục đích của cuối của nó.

Cụ thể, theo bà Hoa quyền tự chủ các cơ sở GD ĐH cần được giao đồng bộ bao gồm tự chủ nguồn nhân lực; tự chủ trong các vấn đề liên quan đến tuyển sinh và quản lý sinh viên; tự chủ trong các hoạt động học thuật và chương trình giáo dục như phương pháp giảng dạy, kiểm tra đánh giá kết quả học tập của sinh viên… Bên cạnh đó, các quy định pháp lý về quyền tự chủ các cơ sở GD ĐH cần được thống nhất, nhất quán và cùng được cập nhật ở các văn bản quản lý khác nhau để các cơ sở GD DH có được quyền tự chủ trọn vẹn .

Việc trao quyền tự chủ cho các cơ sở GD ĐH cần được thực hiện có lộ trình và có các mức độ tự chủ khác nhau đối với các cơ sở GD ĐH khác nhau. Quan trọng hơn, việc trao quyền tự chủ phải đi đôi với yêu cầu về tự chịu trách nhiệm và tính giải trình cao của các cơ sở GD ĐH đối với nhà nước và xã hội.

Nhận định công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo mới chỉ đang bắt đầu, Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận mong muốn ĐHQGHN cũng như các cơ quan, đơn vị, cơ sở giáo dục khác trong toàn ngành phải chủ động sáng tạo trong công việc. Bộ trưởng cũng tiếp thu tất cả những ý kiến đóng góp bàn về công cuộc đổi mới của ngành, đồng thời mong rằng tiếp tục sẽ nhận được các ý kiến tham mưu, đóng góp quý báu khác...

Nguồn Báo Giáo dục & Thời đại