Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị các chuyên gia, các nhà khoa học, nhà quản lý tập trung phân tích, đánh giá ưu điểm, cũng như những hạn chế của dự thảo Luật GDĐH. Chủ tịch QH nhấn mạnh, việc ban hành Luật GDĐH có ý nghĩa rất quan trọng và hết sức cần thiết, nhằm tạo một bước phát triển mới của nền giáo dục, đào tạo nước ta, nhất là ở bậc đại học. Chủ tịch QH mong muốn các nhà khoa học, nhà giáo, nhà quản lý... đóng góp cùng các cơ quan soạn thảo, thẩm tra chuẩn bị một cách chu đáo nhất để dự án Luật GDĐH nhận được sự đồng tình, nhất trí cao khi trình Quốc hội thảo luận, thông qua. Bên cạnh hệ thống các quy phạm pháp luật, dự luật được ban hành còn phải bảo đảm tính khả thi trong tổ chức, thực hiện; đem lại hiệu quả thiết thực cho công tác giáo dục của đất nước.
Chủ tịch Quốc hội dự Hội nghị tham vấn hoàn thiện dự án Luật giáo dục Đại học Ảnh: TTXVN.
Dự án Luật GDĐH đã được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 2 và tiếp tục được lấy ý kiến rộng rãi nhằm hoàn thiện một bước trước khi trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 3 (5-2012). Với tâm huyết và kinh nghiệm của những người làm công tác nghiên cứu, quản lý và hoạt động thực tiễn trong lĩnh vực GDĐH, các đại biểu dự hội nghị đã thảo luận, góp ý kiến về 6 vấn đề chủ yếu: Mô hình tổ chức, hoạt động và việc phân tầng, phân loại các cơ sở GDĐH; quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của cơ sở GDĐH về tổ chức - nhân sự, kế hoạch - tài chính, về các hoạt động đào tạo, hợp tác quốc tế, nghiên cứu khoa học; xã hội hóa GDĐH, vấn đề lợi nhuận, phi lợi nhuận của cơ sở GDĐH tư thục, cơ sở GDĐH có vốn đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó là việc bảo đảm và kiểm định chất lượng; tiêu chuẩn, chế độ, chính sách đối với giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục; quyền và nghĩa vụ của người học; quản lý nhà nước về GDĐH.
Nguồn Báo Hànộimới