(NTO) Thôn nằm dưới chân núi Hòn Dồ, Bò Bò, thuộc Chiến khu CK19. Đường vào thôn bị chia cắt bởi con suối Đồng Nha. Chỉ cần một cơn mưa lớn, nước suối đầu nguồn dâng cao, thôn hoàn toàn bị cô lập. Về mùa khô, nước suối cạn ráo, làm cho sản xuất bị ngưng trệ. Đã thế diện tích đất sản xuất lại hạn hẹp: lúa nước 90 ha; hành, tỏi 20 ha, các loại hoa màu khác 150 ha. Trong khi đó mặt bằng dân trí thấp, nông dân ảnh hưởng tập tục sản xuất lạc hậu.
Trong tổng số 568 hộ ở thôn Xóm Bằng có đến 339 hộ nghèo, chiếm gần 60%. Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo cao là do điều kiện tự nhiên không thuận lợi, bản thân người nông dân chưa thực sự nỗ lực vươn lên, làm ăn nhỏ lẻ, manh mún. Xác định được những hạn chế trên, thời gian qua chính quyền các cấp từ huyện đến xã đã ưu tiên cho thôn thực hiện nhiều mô hình sản xuất mới nhằm chuyển giao khoa học kỹ thuật, tăng năng suất; đồng thời đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống giao thông nông thôn, các công trình thủy lợi vừa và nhỏ.
Đường vào thôn Xóm Bằng vừa mới được đổ bê tông.
Cụ thể, để giảm áp lực về nơi ở, tình trạng thiếu đất sản xuất của một số hộ dân, năm 2010, địa phương thực hiện Chương trình giãn dân. Theo đó, 70 hộ ở những khu vực xung yếu, gần suối, chân núi, có nguy cơ sạt lở cao được di dời về Khu tái định cư, gần trung tâm xã. Về nơi ở mới, mỗi hộ được cấp một căn nhà xây, 2,5 sào ruộng lúa ở cánh đồng Giáo Tiên Lớn, mỗi năm sản xuất 3 vụ nhờ chủ động được nguồn nước từ hồ Sông Trâu. Ngoài ra, bà con còn được hỗ trợ thực hiện nhiều mô hình sản xuất, như mô hình máy cày tay (hai chiếc), mô hình thâm canh lúa nước, mô hình nuôi dê sinh sản… Đồng chí Mang Tin, Trưởng Ban quản lý thôn, nhìn nhận: “Đến nay cuộc sống của các hộ ở khu tái định cư đã ổn định, mức sống cao hơn nơi ở cũ”.
Cùng với đó, lĩnh vực giao thông, thủy lợi, cũng được chú trọng. Riêng năm 2011, thôn được đầu tư nhiều tỷ đồng bê tông hóa kênh cấp 3 thuộc hệ thống đập Cây Sung dài 3 km phục vụ nước tưới tiêu cho 30 héc-ta đất sản xuất. Đó là chưa kể đập Bà Rợ, Tà Lóc cũng được nâng cấp, làm thang đập dẫn nước lên kênh vào ruộng (trước đây bà con dùng bao cát để dâng nước). Đáng kể nữa là, trục đường chính từ thôn ra UBND xã dài hơn 4 km đã được đổ bê tông xi măng. Cây cầu bắc qua suối Đồng Nha sắp hoàn thành. Đồng chí Nguyễn Văn Lắm, Chủ tịch UBND xã cho biết: “Khi đưa cây cầu vào sử dụng sẽ thông thương Xóm Bằng với các vùng lân cận. Sản phẩm nông nghiệp của bà con làm ra không bị ứ đọng, dễ tiêu thụ với giá cao hơn trước. Kinh tế ở thôn vì thế sẽ được vực dậy”.
Trở lại Xóm Bằng trong những ngày đầu tháng 2, trên con đường bê tông vào thôn còn nồng mùi xi-măng nhộn nhịp người, xe. Cuộc sống của người dân đã có nhiều đổi thay. Từ sự hỗ trợ của Nhà nước, tất cả các hộ đều có nhà xây. Chỉ tính riêng Chương trình 167 của Chính phủ, trong năm 2011, hàng chục hộ được xây nhà. 40 hộ nghèo trong thôn vừa được vay vốn ưu đãi với tổng số tiền 450 triệu đồng để nuôi bò sinh sản. Đồng chí Trưởng Ban quản lý thôn, cho hay: “Hiện nay trong thôn hộ nào cũng có bò nuôi, tổng đàn ước khoảng 1.500 con”. Bên cạnh chăn nuôi phát triển, trồng trọt cũng có nhiều chuyển biến tích cực. Không ít nông dân sắm máy cày phục vụ khâu làm đất, thu hoạch, vận chuyển nông sản. Vụ đông-xuân năm nay bà con rất phấn khởi vì không phải dùng bao cát ngăn dòng dẫn nước lên ruộng nên tiết kiệm được nhiều công sức, chi phí sản xuất. Một số cánh đồng lúa trước đây chỉ sản xuất được 2 vụ /năm như ở khu vực đập Cây Sung, Tá Lóc, nay tăng lên 3 vụ/năm, năng suất đạt 5 tấn/ha, cao hơn 2 tấn so với trước.
Nhờ được vay vốn ưu đãi, không ít hộ ở thôn Xóm Bằng có điều kiện phát triển đàn bò.
Đồng chí Nguyễn Văn Lắm, Chủ tịch UBND xã, báo tin vui: Trong năm 2012, thôn Xóm Bằng được đầu tư 300 triệu đồng để thực hiện mô hình trồng cây ăn trái trên sườn dốc. Xóm Bằng đang từng bước vươn lên sớm tiến kịp với các thôn trong xã.
Tuấn Anh