Giá gas phi lý, khó chấp nhận

Với một bình gas 12 kg, doanh nghiệp đầu mối hưởng lợi khoảng 40.000 đồng, tổng đại lý hưởng từ 5.000 - 6.000 đồng và đại lý bán lẻ hưởng từ 40.000 - 50.000 đồng

Ngày 1/2, các công ty kinh doanh gas đều đồng loạt tăng giá bán lẻ trong nước 42.000 đồng/bình 12 kg, tức mỗi bình gas đến tay người tiêu dùng có giá khoảng 425.000 đồng/bình 12 kg. Riêng hãng Shell Gas, loại bình 12 kg có giá bán lẻ lên đến 460.000 đồng, còn Elf Gas bình 12,5 kg cũng có giá bán 460.000 đồng/bình. Từ đầu tháng 1/2012 đến nay, giá gas bán lẻ trong nước tăng 3 lần, với tổng mức tăng lên đến 74.000 đồng/bình.

Giá gas liên tục tăng, tạo gánh nặng cho người tiêu dùng. Ảnh: Tấn Thạnh

Giá tăng, tiêu thụ giảm

Nguyên nhân tăng giá được các hãng gas lý giải là do giá gas thế giới giao tháng 2 lên đến 1.025 USD/tấn, tăng 145 USD/tấn so với tháng trước. Nhu cầu tiêu thụ gas trong mùa đông tăng mạnh, cũng như tình hình thế giới bất ổn đã đẩy giá gas lên. Mặt khác, tàu vận chuyển gas về trễ đã dẫn đến tình trạng thiếu gas cục bộ ở một số địa phương nên gas trên thị trường bị các nhà cung cấp “làm giá”.

Bà Lê Thị Anh Mẫn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gas Việt Nam, cho biết việc thuế nhập khẩu vừa qua được điều chỉnh tăng từ 2% lên 5% cũng góp phần làm giá gas trong nước tăng (với mức thuế này, mỗi bình gas 12 kg phải tăng thêm khoảng 8.000 đồng). Do đó, hiệp hội sẽ kiến nghị cơ quan chức năng miễn giảm thuế nhập khẩu mặt hàng gas vào thời điểm này để góp phần giảm giá bán lẻ trong nước.

Các cửa hàng kinh doanh gas cho biết do giá gas tăng cao nên hiện nay sức tiêu thụ khá chậm, giảm hơn 50% so với trước đây. Nhiều công ty kinh doanh gas tại TPHCM cũng thừa nhận sức tiêu thụ hiện tại giảm khoảng 30% so với trước Tết.

Lãi 140 USD/tấn

Một số công ty gas cho rằng từ cuối năm 2011 đến nay, kinh doanh gas không có lời, hòa vốn đã là may. Tuy nhiên, một giám đốc phụ trách kinh doanh của một hãng gas lớn ở phía Nam tiết lộ: Năm qua, lợi dụng vào tình hình biến động giá của thế giới, các đầu mối kinh doanh gas trong nước lãi to, khoảng 140 USD/tấn.

Theo tính toán của các công ty kinh doanh gas, với giá gas thế giới hiện nay là 1.025 USD/tấn, cộng với các khoản thuế, phí vận chuyển, bảo hiểm, lợi nhuận cho nhà xuất khẩu thì mỗi ký gas về đến cảng tại TPHCM có giá thành khoảng 25.000 đồng/kg. Tức mỗi bình gas 12 kg có mức giá 300.000 đồng. Các doanh nghiệp tính toán tiếp các khoản chi phí vận chuyển từ cảng về kho, chi phí chiết nạp, nhân công, khấu hao vỏ bình, lợi nhuận doanh nghiệp thì một bình gas giao đến tổng đại lý được đẩy lên đến 380.000 đồng - 387.000 đồng/bình. Từ tổng đại lý đến cửa hàng bán lẻ bán đến tay người tiêu dùng lên 425.000 đồng- 460.000 đồng/bình, tùy hãng. Theo vị giám đốc này, với một bình gas 12 kg doanh nghiệp đầu mối hưởng lợi khoảng 40.000 đồng, tổng đại lý hưởng từ 5.000- 6.000 đồng và đại lý bán lẻ hưởng từ 40.000- 50.000 đồng.

Sở dĩ đại lý bán lẻ hưởng hoa hồng cao là do các công ty kinh doanh gas phải o bế họ, nếu không họ sẽ chuyển sang lấy gas của hãng khác. Từ năm 2005, TPHCM ngừng cấp giấy phép mới đối với đại lý kinh doanh gas nên đến nay không có cửa hàng mới cũng đồng nghĩa không có cạnh tranh trong bán lẻ. Đại lý bán lẻ từ 1.400 - 1.500 cửa hàng, hiện chỉ còn khoảng 900 cửa hàng.

Theo giới chuyên môn, mức chênh lệch quá lớn giữa giá nhập khẩu và giá bán lẻ trong nước từ 125.000 đồng - 160.000 đồng/bình 12 kg là phi lý, khó chấp nhận. Cách tính chi phí kinh doanh quá cao, không hợp lý cũng như khâu trung gian được hưởng lợi lớn gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Đúng ra giới kinh doanh chỉ nên chia sẻ phần lợi nhuận khoản 50.000 đồng/bình 12 kg, còn cả trăm ngàn đồng chênh lệch nên trả lại cho người tiêu dùng mới hợp lý.

Quản lý chặt giá gas

Ông Nguyễn Thanh Bình, Chánh Thanh tra Sở Tài chính TP.HCM, cho biết: Sáng 3/2, Sở Tài chính sẽ ra quân tiếp tục kiểm tra việc đăng ký, kê khai giá và thực hiện bán theo giá niêm yết của các công ty gas trên địa bàn TPHCM. Trước mắt, sẽ tập trung kiểm tra tại các công ty. Thời gian tới sẽ triển khai rộng ra các đại lý, cửa hàng kinh doanh gas trên toàn TP để kiểm soát, chấn chỉnh tình trạng tăng giá tùy tiện và bảo đảm người tiêu dùng được mua gas đúng giá.

Theo Thông tư 122/2010/TT-BTC, doanh nghiệp vi phạm các quy định về giá sẽ bị phạt tối đa 20 triệu đồng/trường hợp (nếu tổng lượng hàng vi phạm trị giá từ 100 triệu đồng trở lên). Trường hợp tái phạm hoặc vi phạm nhiều lần sẽ bị tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh không thời hạn. Trường hợp thu lời bất chính từ việc tự tăng giá gas, các doanh nghiệp này sẽ bị thu hồi các khoản tiền bất chính đó.

Nguồn www.nld.com.vn