Trải qua hơn 100 năm phát triển, dù đã được thay đổi khá nhiều nhưng nhìn chung, bóng đá đang rơi tình trạng lạc hậu, không bắt kịp với xu thế thời đại cũng như nhịp sống luôn biến chuyển không ngừng trong làng túc cầu giáo. Đã có rất nhiều quy định bộc lộ rõ sự hạn chế, bất cập song FIFA cùng IFAB vẫn cực kỳ bảo thủ và không chịu sửa đổi. Tuy nhiên trước sức ép của dư luận cộng thêm những chuyện "bất công" (do luật lệ tạo ra) thỉnh thoảng lại xuất hiện, hai bên buộc lòng phải tính đến việc cải tổ cho phù hợp.
Các đội có thể sẽ được thay 4 người ở một trận đấu trong thời gian tới.
Vì thế, ngày 3/3 tới, các thành viên của IFAB sẽ hội tụ tại Anh nhằm bàn thảo, thậm chí nếu được, sẽ đi đến thống nhất luôn về một vài vấn đề bức thiết nhất hiện nay. Trước tiên, xin được nói sơ qua một chút về IFAB. Uỷ ban này gồm có 8 đại diện, trong đó 4 người đến từ các Liên đoàn bóng đá quốc gia trực thuộc Liên hiệp Anh (gồm Anh, Bắc Ai Len, Scotland và xứ Wales) và 4 người đến từ FIFA. Chắc hẳn nhiều người sẽ thắc mắc tại sao một uỷ ban có vị thế to lớn đến thế lại chịu ảnh hưởng quá lớn từ nước Anh và "đồng minh". Hãy lưu ý rằng, Anh quốc đã được mặc nhiên thừa nhận là quê hương của môn thể thao Vua và IFAB thậm chí còn ra đời trước cả FIFA. Bởi thế, khi được thành lập vào năm 1904, FIFA buộc phải công nhận IFAB mãi mãi là "cơ quan lập pháp" (tức là được quyền ban hành, sửa đổi mọi luật lệ) trong làng bóng đá thế giới. Song để đảm bảo công bằng, mọi quyết định của IFAB chỉ được thông qua nếu nhận được tối thiểu 6 phiếu ủng hộ, có nghĩa sẽ không "phe" nào nắm được ưu thế tuyệt đối.
Vấn đề đầu tiên mà IFAB xem xét trong buổi họp tới sẽ là đề xuất "tăng thêm một quyền thay người (hiện tại được thay tối đa 3 cầu thủ trong các trận chính thức) cho các đội trong trường hợp trận đấu bước vào hai hiệp phụ". Theo IFAB (có sự tham khảo của nhiều uỷ ban trực thuộc FIFA), làm như vậy, vừa giúp trận đấu trở nên hấp dẫn hơn, duy trì được yếu tố chuyên môn trong khi lại đảm bảo thể lực, tránh nguy cơ dính chấn thương cho các cầu thủ. Ai cũng biết, trong bóng đá hiện đại, giới "quần đùi áo số" đa phần đều phải đối mặt với tình trạng quá tải do mật độ thi đấu quà dày đặc nên quả thực, họ rất oải và mệt mỏi thực sự nếu trận đấu bị kéo dài đến tận 120 phút.
Vấn đề thứ 2 trong chương trình nghị sự của IFAB là câu chuyện cũ rích: Có nên áp dụng công nghệ cao vào trận đấu, đặc biệt ở hai bên cầu môn nhằm xác định chính xác một số tình huống nhạy cảm (chẳng hạn bóng đã đi qua vạch vôi hay chưa). Còn nhớ, hồi VCK World Cup 2010, sau khi ĐT Anh bị từ chối một bàn thắng mười mươi của Frank Lampard trong trận tứ kết gặp Đức (bóng nằm sau vạch vôi đến hơn nửa mét nhưng trọng tài vẫn lắc đầu), rất nhiều ý kiến đã lên tiếng đòi FIFA phải ứng dụng công nghệ cao hỗ trợ trọng tài trong việc điều khiển trận đấu công bằng hơn, tránh mọi sai lầm đáng tiếc. Song FIFA lại tỏ ra cực kỳ dè dặt và thận trọng, làm dấy lên làn sóng "bất mãn", nhất là khi những pha bóng tương tự như vậy vẫn xảy ra trong đời sống bóng đá. Tuy nhiên, nếu nghĩ rằng tổ chức này không làm gì thì quá oan cho họ.
Được biết, IFAB sẽ nghiên cứu kỹ bản đánh giá về quá trình thử nghiệm "ứng dụng công nghệ cao vào trận đấu" theo 8 cách thức khác nhau do chính FIFA triển khai, từ đó đi đến quyết định chọn cách thức nào vào "vòng thử nghiệm thứ 2" sẽ bắt đầu thực hiện trong tháng 3. Cuối cùng, dự kiến vào mùa hè, sau trận chung kết Euro 2012 (2/7), IFAB sẽ tổ chức cuộc họp khác tại Kiev, thủ đô của Ukraine, một trong 2 nước chủ nhà của ngày hội bóng đá lớn nhất châu Âu nhằm đưa ra phán quyết chung cuộc: Có nên đưa công nghệ cao vào trận đấu và nếu đồng ý thì hình thức ra sao.
Bên cạnh hai vấn đề lớn kể trên, IFAB sẽ còn thoả luận về một số chuyện khác như tăng số trọng tài ở mỗi trận đấu lên con số 5 (tức là thêm 2 người đứng hai bên cầu môn nhằm trợ giúp trọng tài chính trong việc quan sát các tình huống diễn ra trong khu cấm địa hay lại cho phép các nữ cầu thủ theo đạo Hồi được sử dụng khăn trùm đầu khi thi đấu (đã từng bị cấm vì lý do an toàn). Ngoài ra, IFAB sẽ tính việc sửa đổi điều luật "phạt tự động gấp 3" (tức là với một số lỗi nhất định thì mặc nhiên cầu thủ gây ra sẽ "dính" 3 lần phạt: thổi 11m, đuổi khỏi sân và treo giò thêm vài trận) mà theo FIFA bị nhiều người kêu ca là quá hà khắc.
Nguồn Báo Thể thao & Văn hóa