Thể thao Việt Nam 2012: Giấc mơ hóa rồng

Đây là giấc mơ của cả dân tộc, của mọi lĩnh vực và của mỗi người trong chúng ta.

Rủ nhau sinh con Nhâm Thìn

Ai cũng biết, con Rồng là đại diện cho quyền lực, sức mạnh thống trị và sự thiêng liêng cao quý, là biểu tượng của vinh quang tột bậc.

Và rất nhiều người đang tính sinh con năm Nhâm Thìn, bởi suy nghĩ Mệnh Trường Lưu Thủy (nước sông dài), Rồng gặp nước, nếu quý tử càng vui vì niềm tin bé, vững vàng phát triển tột bậc trong suốt cuộc sống.

Tuy nhiên, niềm tin duy tâm khiến chúng ta hay quên một điều: Con Rồng cũng chỉ là một sản phẩm mang tính chất thần bí mà thôi. Bản thân người tuổi Rồng thường thông minh, có tài và có nhiều tiềm năng hơn. Có điều, với tính chất thích làm bá vương, cũng không biết mang họa lúc nào nếu lệch chuẩn.

TTVN cần hành động mạnh mẽ để hiện thực giấc mơ hóa Rồng

Tóm lại, con nào cũng thế, kể cả con người, không cẩn thận có thể thất bại hoặc thành... con ngay. Ai sinh ra cũng có một cái mệnh. Sự khác biệt là ở khả năng làm chủ và chiến thắng cái mệnh của mình. Câu chuyện Cá chép vượt vũ môn đã nói lên tất cả. Trong cộng đồng, cá chép mấy con vượt được vũ môn để hóa Rồng đâu. Con thì sợ trầy vi tróc vảy óng ánh. Con thích quanh quẩn giữa dòng nước nhẹ nhàng. Con nhảy vài phát thất bại là nản, đành quay về bản ngã. Chỉ những con đặc biệt nhất mới hi vọng hóa Rồng.

Và giấc mơ 20 năm hóa rồng

Chúng ta không cần nhìn quá xa xôi, chỉ cần ngó nghiêng những giấc mơ thành Rồng cách đây 20 năm của châu Á thì thấy không phải "cá chép" nào cũng hóa Rồng. Khu biệt trong phạm vi "cái ao" Đông Nam Á càng thấy rõ hơn.

20 năm không phải là dài, nhưng chừng đó thời gian có thể đủ để một nền kinh tế cất cánh. Nhật Bản trong thập niên 1960, 1970; Hàn Quốc, Đài Loan trong thập niên 1970, 1980; Singapore, Hong Kong trong thập niêm 1980, 1990 và gần đây là Trung Quốc trong 20 năm kể từ thập niên 1990 là những ví dụ điển hình về khả năng hiện thực tăng tốc và cất cánh.

20 năm đổi mới và mở cửa, đất nước chúng ta cũng khang trang, giàu đẹp hơn. Nhưng, để nói tạo nên những điều thật sự kỳ diệu, ví dụ điều kỳ diệu trong nền giáo dục thì chưa thấy. "Nếu thắng trong cuộc đua giáo dục, thì sẽ thắng trong phát triển kinh tế", ông Lý Quang Diệu - nguyên Thủ tướng Singapore từng trò chuyện với nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết như thế.

Trở lại câu chuyện thể thao và bóng đá ta. Tính từ SEA Games 1991 tái hòa nhập, tức là đã già hai thập niên, chúng ta chưa tạo được một sự kỳ diệu. Chưa có tấm HCV nào ở đấu trường Olympic. Tầm cỡ ASIAD thì chỉ đoạt mỗi HCV, trong khi SEA Games năm trước tại Lào xếp ngôi hậu. Vậy thì đống HCV ở đấu trường SEA Games không phản ánh tư duy làm thể thao dàn hàng ngang kiểu "ứng thí", chạy theo thành tích trước mắt còn gì? Đừng đổi lỗi thể thao Việt Nam thiếu nhân tài mà phải hỏi vì sao đất nước gần 90 triệu dân lại thiếu nhân tài thể thao?

BĐVN bao giờ mới thực sự thống trị ĐNA?

Ngôi vô địch AFF Cup 2008, sau thời gian chỉ là phong độ nhất thời. Thật đau lòng khi nền bóng đá ta vẫn giậm chân tại chỗ, thậm chí đang có dấu hiệu thụt lùi sau sự kiện đội tuyển bóng đá U23 Việt Nam chơi bê bết ở SEA Games 26 còn giải vô địch quốc gia bị giải tán mô hình tổ chức, điều hành cũ. cũng phải thôi bởi không thể nhân danh bóng đá chuyên nghiệp nhưng khán đài thì thưa khán giả, hàng loạt biểu tượng giãy chết trong khi tiền cứ ào ào chảy về túi VFF, cùng những người tham gia hoạt động bóng đá.

Thể thao Việt Nam và bóng đá nói riêng ngoài tiếp tục nuôi dưỡng giấc mơ hóa Rồng thì cần phải thể hiện bằng những hành động cụ thể, đặc biệt hơn, thay vì sợ "trầy vi tróc vảy".

Nói chúng ta tự hào con Rồng cháu Tiên thì dễ, nhưng thể hiện được được trách nhiệm công dân của mình khó lắm. VPF ra đời cùng hàng loạt ông bầu gạt chuyện riêng tư lẫn công việc bề bộn của tập đoàn mình sang một bên để ngồi cùng thuyền vì sự phát triển của bóng đá Việt Nam. Chính họ mới là ngôi sao bóng đá, trong bối cảnh VFF lẫn cầu thủ một năm qua không ai đủ tư cách là một ngôi sao đúng nghĩa. Thể thao Việt Nam cần nhiều hành động như thế mới hy vọng hóa Rồng.

Nếu không thì mèo vẫn lại hoàn mèo, như năm cũ mà thôi.

Nguồn Báo Thể thao & Văn hóa