Những quy định có hiệu lực thi hành từ 1/2

Từ ngày 1-2, các chính sách sau bắt đầu có hiệu lực thi hành: không tính thuế tiêu thụ đặc biệt trên phụ kiện ôtô lắp thêm, miễn đăng ký nhượng quyền thương mại trong nước, Thủ tướng đồng ý chủ trương mới được mua máy bay...

Không tính thuế tiêu thụ đặc biệt trên phụ kiện ô tô lắp thêm

Theo Nghị định số 113 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 26 ban hành 2009 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt, với mặt hàng ô tô, giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt dựa trên giá bán chưa bao gồm các lựa chọn về trang thiết bị, phụ tùng mà nhà phân phối lắp đặt thêm theo yêu cầu của khách hàng.

Trường hợp giá bán của cơ sở sản xuất thấp hơn 10% so với giá cơ sở kinh doanh thương mại bán ra thì giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ do cơ quan thuế ấn định.

Không tính thuế tiêu thụ đặc biệt trên phụ kiện ôtô lắp thêm.

Rút ngắn thời gian cấp Giấy chứng nhận kinh doanh xăng dầu

Nghị định 118 sửa đổi, bổ sung thủ tục hành chính trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu và khí hóa lỏng quy định thời gian cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu giảm xuống còn 20 ngày thay vì 30 ngày như hiện nay.

Hàng năm, trên cơ sở tình hình nhập khẩu xăng dầu trong năm và kế hoạch phát triển trong năm tiếp theo, thương nhân kinh doanh nhập khẩu xăng dầu đăng ký hạn mức nhập khẩu xăng dầu tối thiểu với Bộ Công Thương.

Miễn đăng ký nhượng quyền thương mại trong nước

Từ 1-2, Nghị định 120 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung thủ tục hành chính tại một số Nghị định quy định chi tiết Luật Thương mại có hiệu lực.

Nghị định mới quy định 2 trường hợp không cần phải đăng ký nhượng quyền thương mại, mà chỉ cần thực hiện chế độ báo cáo Sở Công Thương, gồm nhượng quyền trong nước, và nhượng quyền thương mại từ Việt Nam ra nước ngoài.

Hoạt động nhượng quyền thương mại từ nước ngoài vào Việt Nam, bao gồm cả hoạt động nhượng quyền thương mại từ khu chế xuất, khu phi thuế quan hoặc các khu vực hải quan riêng vẫn phải đăng ký với Sở Công thương.

Thủ tướng đồng ý chủ trương mới được mua máy bay

Bắt đầu tháng 2, Nghị định 110 về quản lý hoạt động thuê, mua máy bay, động cơ, phụ tùng vật tư và dịch vụ bảo dưỡng, sửa chữa máy bay có hiệu lực.

Nghị định quy định, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải có thẩm quyền quyết định đầu tư đối với dự án động cơ, phụ tùng vật tư máy bay có sử dụng vốn ngân sách nhà nước.

Trường hợp mua máy bay, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải quyết định đầu tư sau khi có ý kiến đồng ý về mặt chủ trương của Thủ tướng Chính phủ.

Đối với các dự án mua tàu bay nhưng không sử dụng vốn ngân sách nhà nước, người đứng đầu doanh nghiệp ra quyết định đầu tư sau khi có ý kiến đồng ý về mặt chủ trương của Thủ tướng Chính phủ.

Nguồn Báo Giáo dục & Thời đại