Mua sắm ngày tết: ...hãy bình tĩnh!

Trong niềm hưng phấn của không khí cuối năm, với tiền thưởng rủng rỉnh trong túi bạn tha hồ mua sắm, vui chơi. Làm thế nào để bạn tận hưởng niềm vui này một cách trọn vẹn mà không phải lo bài ca “cháy túi”, mệt mỏi sau ba ngày tết?

1. Lên danh sách những thứ cần mua

Điều này cực kỳ cần thiết. Có nhất thiết phải tặng quà cho tất cả những ai có trong danh sách hay không? Nên sàng lọc kỹ. Sau đó hãy phân loại những người bạn sẽ tặng quà thành hai nhóm A và B. Quà cho nhóm A là những thứ có chút gì đó đặc biệt, còn cho nhóm B sẽ đơn giản hơn.

Đối với những thứ sử dụng cho gia đình, bạn cũng cần lên danh sách: từ quần áo, giày dép cho đến bánh mứt, thịt cá, hoa quả… Bạn nên mua dần từ những tuần trước đó theo danh sách đã có sẵn, và như thế bạn sẽ không phải chen lấn trong những ngày sát tết. Đồng thời bạn cũng không phải “thủng” thêm hầu bao vì giá cả vào những ngày cận tết thường có khuynh hướng “nhích” lên một chút.

2. Định sẵn khoản tiền mua sắm

Sau mỗi cái tên trong danh sách, hãy viết số tiền tối đa cho món đồ cần mua rồi tính tổng số. Nếu số tiền vượt quá khả năng, hãy điều chỉnh hợp lý.

Sau đó, định ra một khoản chi tiêu nhất định cho dịp tết. Nên nhớ rằng tết không phải là dịp để bạn vung tay hoang phí và tặng nhau những món quà đắt giá.

3. Khi mua sắm

Nên chọn chợ, cửa hàng hay siêu thị quen thuộc, bạn sẽ không mất thời gian tìm kiếm nơi bán những món hàng cần mua.

Chọn những nhãn hiệu tin cậy để tránh những sự cố hư hỏng, kém phẩm chất, nhất là khi mua phải hàng rởm.

Khi phải dẫn theo “nhóc tì”, nên giao hẹn trước là bé phải ngoan. Nếu có điều kiện nên dẫn theo một trẻ khoảng 15 -16 tuổi (có thể là con hay cháu) để có thể phụ xách đồ và coi bé giúp bạn.

Khi mua sắm, bạn nhớ ghi lại số tiền đã thực chi. Và nhất là đừng mất tỉnh táo khi con mắt vô tình ngó phải một thứ xa xỉ hay món hàng tuyệt đẹp nhưng có giá trời ơi vượt quá tầm tay của mình.

4. Nên để dư chút đỉnh

Khi lên danh sách và tính toán tiền nong, nên nghĩ đến quỹ dự phòng. Sẽ có những người tình cờ bạn phải tặng quà cho họ. Hay có những món mà giá cả không còn “nguyên vị trí” ban đầu nữa.

5. Hãy sáng tạo

Thay vì mua những giỏ quà kèm dây nơ và trang trí bán sẵn, bạn hãy tự mình tạo lấy, khi đó bạn có thể tiết kiệm mà lại có giỏ quà ưng ý. Luôn luôn để ý xem cửa hàng có dịch vụ gói quà miễn phí hay khuyến mãi gì không.

Nhưng hãy nhớ, tiết kiệm khác với hà tiện bạn nhé!

6. Giữ lại bản danh sách mua hàng

Đừng vội vứt danh sách khi đã mua xong. Sau mùa lễ tết năm nay, hãy sửa lại nó nếu bạn thấy cần. Hãy dùng danh sách này như một tờ hướng dẫn. Vào năm sau, bạn tiếp tục tham khảo sau khi đã gạch đi những thứ quá cũ và bạn sẽ thấy ổn định hơn vì hầu như mọi việc sẽ sắp đặt đâu ra đó.

7. Chú ý đến sức khoẻ

Có rất nhiều việc để làm, do đó bạn nên sắp xếp; tập thể dục là việc đầu tiên nên làm trong ngày, nếu không bạn sẽ không còn thời gian và sẽ rất mệt mỏi. Nhưng cũng không nên tập thể dục trong lúc mệt mỏi vì rất dễ bị chấn thương trong khi tập.

8. Ăn uống trong những ngày tết

Đừng cố gắng lợi dụng những ngày tết để tăng thêm các bài tập thể dục hay áp dụng lại chế độ ăn kiêng vì như thế sẽ khiến cơ thể bạn mệt mỏi. Lễ tết thường đi kèm với nhậu, nên khi vào tiệc cần lưu ý uống nhiều nước nếu bạn có uống rượu bia. Nhớ gia giảm nước có gaz, nước tăng lực…

Khi đãi tiệc, cố gắng dọn thức ăn ra đúng giờ, để tránh tình trạng khách ngồi chờ sẽ uống rượu hoặc bia quá mức và có thể gây ra những việc đáng tiếc như ồn ào, la hét, gây gổ, nhất là khi bạn phải lái xe.

9. Đi chơi

Nên đặt chỗ trước khi dự định đi du lịch xa.

Nếu đi bằng xe máy hay tự lái xe ô tô, không nên nhậu nhẹt say sưa vào đêm trước ngày xuất phát.

10. Mỗi người một tay

Đừng cố làm kẻ tử vì đạo do ôm đồm mọi việc. Hãy “bắt” những thành viên trong gia đình mỗi người giúp một tay trong việc dọn dẹp, trang trí, làm bếp và mua sắm. Như thế bạn sẽ có một cái tết vui tươi và đầm ấm, không béo phì, stress và tràn ngập không khí gia đình.

Nguồn khoahocphattrien.com.vn