Gãy xương tuổi dậy thì ít được để ý

Cậu con trai độ tuổi dậy thì của người hàng xóm đã hai lần gãy xương cẳng tay mà không vì té ngã hay sau một động tác quá mạnh...

Ông tìm đến bác sĩ với tâm trạng lo lắng vì sợ gãy xương bệnh lý... Hình chụp X-quang xương cẳng tay không gợi ý bệnh lý ở xương, ngoại trừ một vết nứt xương.

Đây là trường hợp gãy xương sinh lý ở các trẻ trai tuổi dậy thì. Gãy xương ở trẻ em khác với người lớn vì xương của trẻ còn đang phát triển.

 
Ảnh minh họa.

Có vài khác biệt giữa xương trẻ em và xương người lớn: chúng lành nhanh vì có lớp màng xương dày chắc bao quanh xương (màng xương có nhiều mạch máu cung cấp oxy và chất dinh dưỡng cho tế bào xương). Chính màng xương dày cũng hạn chế xương gãy, nếu gãy, xương ít bị xê dịch hơn nên dẫn đến gãy xương dưới màng xương (loại gãy này khó chẩn đoán).

Trẻ gái thường gãy xương lúc 12 tuổi và trẻ trai tuổi 14, nhưng trẻ gái ít gãy xương hơn. Cổ tay, cẳng tay là nơi hay gãy. Chơi thể thao càng nhiều khả năng gãy càng cao. Gãy xương niên thiếu thường là gãy không hoàn toàn. Thường xương cong hơn là gãy hoàn toàn hoặc xương bị nứt mỏng.

Khác biệt giữa hai phái

Giai đoạn từ lúc sinh đến trước dậy thì, giới tính không chi phối sự tạo khối xương. Đỉnh khối xương càng lớn, sự mất xương vào những giai đoạn sau càng ít ảnh hưởng đến khối xương. Vì vậy trẻ cần được ăn uống đầy đủ chất đạm, canxi và khoáng chất cần thiết để tạo lập đỉnh khối xương. Kể từ thời điểm dậy thì, quá trình tạo xương và mất xương ở nam và nữ không còn như nhau.

Giai đoạn tăng trưởng của xương kéo dài nên xương con trai to hơn, dài hơn, vỏ xương dày hơn; cậu bé tăng khối xương nhiều và nhanh lúc 13-17 tuổi, rồi giảm dần đến 20 tuổi. Trong khi chiều cao tăng nhanh nhưng mật độ khoáng xương không tăng đáng kể ở các xương dài nên xương bị yếu tạm thời, nhiều trẻ trai tuổi dậy thì có thể bị gãy xương. Ở trẻ gái, khi bắt đầu có kinh, sự tăng khối xương sẽ chậm lại, không tăng nhiều hai năm sau đó.

Vào tuổi 30, đỉnh khối xương của nam cao hơn nữ 30%. Mật độ xương ở hai phái tương đối không thay đổi cho đến tuổi trung niên. Trong khi nữ giới phải đối mặt với mất xương lúc mang thai và cho con bú thì nam giới lại mất xương do hoạt động thể lực quá sức, stress, rượu, thuốc lá và cà phê. Giai đoạn mãn kinh phụ nữ bị mất xương nhanh, kéo dài đến 10-15 năm, trước khi bước sang giai đoạn mất xương mãi mãi của tuổi già.

Bên cạnh ảnh hưởng của giới tính, chuyển hóa xương còn bị chi phối bởi yếu tố di truyền, quyết định đến 60% mật độ xương.

Lối sống và dinh dưỡng ảnh hưởng đến xương

Trọng lượng cơ thể quyết định khối lượng xương và suất độ gãy xương hông. Gầy yếu, dinh dưỡng kém có nguy cơ gãy xương cao hơn rõ rệt. Tập thể dục làm tăng mật độ xương, tăng sức cơ, duy trì sự thăng bằng, giảm nguy cơ té ngã và giúp khớp linh hoạt. Nghiện rượu không những tăng nguy cơ té ngã mà còn làm xương chậm chuyển hóa. Thuốc lá tăng tốc độ mất xương ở cả hai phái. Uống nhiều cà phê làm giảm khối xương. Do đó, nam giới nếu cùng lúc nghiện rượu, hút thuốc lá và uống nhiều cà phê... tổng nguy cơ gãy xương rất cao.

Hiểu rõ những khác biệt liên quan đến tạo xương và mất xương ở hai phái, mỗi người trong chúng ta có thể chủ động dự phòng sụt giảm khối xương một cách thích hợp.

Diễn biến của khối lượng xương trong suốt cuộc đời:

Nguồn Giadinh.net.vn