(NTO) Chỉ tính trong năm 2011 vừa qua, Sở Công Thương đã đổi mới cách làm, bằng việc vận động một số doanh nghiệp đưa hàng Việt đến với thị trường tiêu dùng nông thôn vừa bằng hình thức bán hàng lưu động, vừa bằng hình thức phiên chợ với quy mô lớn hơn, thu hút được nhiều doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tham gia. Điều này cũng đồng nghĩa với việc tạo thu hút được sự quan tâm của người tiêu dùng nông thôn. Một số doanh nghiệp đã khá quen thuộc với thị trường nông thôn như Siêu thị Co.op Mart Thanh Hà, Chi nhánh Công ty Cổ phần Lương thực Nam Trung Bộ tại Ninh Thuận, trong năm đã tổ chức được 33 đợt đưa hàng Việt về nông thôn với trên 300 mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân.
Ngoài ra, một số doanh nghiệp khác như Công ty TNHH TM và DV Trúc Nguyên, Công ty Phượng Định… hàng ngày đều có những chuyến hàng về nông thôn trong đó có nhiều mặt hàng sản xuất trong nước…
Những kết quả đạt được là rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên, cân phân mà nói một bộ phận người tiêu dùng hiện vẫn rất “chuộng” hàng ngoại và xu hướng này đang lan nhanh. Có nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó nguyên nhân không kém phần quan trọng là chất lượng của một số mặt hàng “nội” chưa cao nhưng giá bán lại… tương đương hàng “ngoại” nhập!. Tình trạng nhiều nơi sử dụng hàng nhái, hàng giả nhãn mác với chất lượng cũng rất… giả để lừa người tiêu dùng! Vậy là tâm lý “trượt vỏ dưa thấy vỏ dừa thì sợ” nên không chuộng hàng Việt mặc dù hàng “chính hãng” chất lượng không thua kém hàng “ngoại” nhưng giá thấp hơn.
Theo các chuyên gia, để người Việt yên tâm với hàng Việt, điều cốt yếu là hàng Việt phải đảm bảo chất lượng, hợp thị hiếu người tiêu dùng và giá cả phải phù hợp. Muốn vậy, điều đầu tiên là Nhà nước cần định hướng, hỗ trợ doanh nghiệp trong sản xuất nhất là vốn đầu tư. Kế đến là cơ sở bán hàng phải trung thực, kiên quyết không tiêu thụ hàng giả, hàng kém chất lượng và người tiêu dùng cũng cần được thông tin đầy đủ về sản phẩm trước khi quyết định mua. Để làm được không phải dễ, vấn đề là hơn ai hết chính từng “khâu” từ sản xuất đến tiêu dùng phải biết “bảo vệ” mình.
Tuấn Dũng