“Cuộc cách mạng về nhân giống...”
Một ngày cuối năm cũ, tôi bất ngờ nhận được điện thoại của một người tự xưng là Cao Đình Hùng - một nhà khoa học. Anh bảo mình vừa ở Úc về Huế và chủ động liên lạc với Báo Lao Động để “khoe” tin vui: Anh vừa bảo vệ thành công luận án tiến sĩ về đề tài phương pháp nhân giống cây thân gỗ nhiệt đới mới tại Đại học Sunshine Coast (USC - Úc). Không chỉ thành công về mặt lý thuyết, đề tài của anh đã được triển khai ứng dụng thực tiễn và đã cho kết quả thành công mỹ mãn. Vừa nghe điện thoại vừa cầu cứu “ông” Google, bởi thời điểm đó, thú thật là tôi không có ấn tượng cũng như sự hiểu biết đáng kể nào về chủ đề “phương pháp nhân giống cây thân gỗ nhiệt đới mới”. Cũng may là “ông” Google có một số thông tin ngắn gọn về Cao Đình Hùng và đề tài của anh - dẫn lại từ báo chí Úc, nói rằng công trình này là “một cuộc cách mạng trong nhân giống cây trồng”, nhưng cũng chỉ đủ để... lờ mờ hiểu.
TS Cao Đình Hùng (bìa trái) và các đồng nghiệp tại phòng thí nghiệp ở Úc
(ảnh do TS Cao Đình Hùng cung cấp).
Anh cười giải thích: Nhân giống bằng hạt nhân tạo, hay còn gọi là nhân bản vô tính thực vật (song song với các phương pháp truyền thống như tách chồi, hạt thật, dăm cành...) là phương pháp không mới. Từ những năm 1977 - 1982, một số nhà khoa học trên thế giới đã tìm ra phương pháp vi nhân giống. Tuy nhiên, số lượng cây nhân ra không thể nhiều và đặc biệt cây con đã không có rễ cọc như những cây được mọc lên từ hạt thật. Do vậy khi cây trưởng thành mà không có rễ cọc thì sẽ dễ bị gãy, ngã khi gặp gió lớn.
Những cái mới mang tính đột phá mà hơn 30 năm, các nhà khoa học trên thế giới vẫn loay hoay không vượt qua được là phương pháp nhân giống của Cao Đình Hùng dễ và nhanh hơn nhiều. Thông thường với một hạt chỉ có thể nhân ra 100 cây/năm, nhưng với phương pháp mới này có thể nhân giống 10 triệu cây/năm, lại có cả rễ cọc. Anh gọi đó là những hạt nhân tạo “kiểu mới” và chúng có rất nhiều ưu điểm so với những hạt “kiểu cũ”: Cho chất lượng gỗ tốt, sức tăng trưởng nhanh, chịu được sâu bệnh và khí hậu lạnh. Trồng rừng nhanh hơn vì có thể gieo hạt trực tiếp bằng trực thăng; tiết kiệm về diện tích khi vận chuyển (một cái ly có thể đựng được 1.000 hạt giống “kiểu mới” thay vì... 1 cây “kiểu cũ”, thay vì cần 1.000 xe để vận chuyển cây khi trồng một cánh rừng thì hạt kiểu mới chỉ cần... 1 xe...).
Đề tài của Hùng chọn nghiên cứu nhân giống hai loài bạch đàn và gụ Châu Phi (Việt Nam gọi là xà cừ). “Bạch đàn là cây bản xứ của Úc, còn gụ là cây bản xứ của Châu Phi đang có nguy cơ tuyệt chủng do khu phân bố bị thu hẹp dần và nạn khai thác gỗ quá mức. Hai loại cây này đang được Úc ưa chuộng và có tiềm năng lớn trong việc trồng rừng ở Việt Nam, cũng như mở ra nhiều cơ hội hợp tác có lợi sau này giữa hai chính phủ” - anh nói.
Anh Hùng cho biết, nếu áp dụng kết quả nghiên cứu này tại Việt Nam, đặc biệt là nhân giống bạch đàn, thì sẽ làm giảm áp lực rừng tự nhiên và giúp cân bằng sinh thái. Ước tính trong khoảng 4 - 5 năm (từ khi trồng cây con) là có thể phủ xanh đất trống, đồi trọc và trong vòng 8 - 10 năm là có thể thu hoạch được gỗ. “Trước mắt, tôi sẽ xin đề tài cấp nhà nước, quốc tế, hoặc địa phương... để có thể và ưu tiên triển khai nhân giống bạch đàn, phục vụ việc phủ xanh đất trống đồi trọc ở miền Trung” - anh nói.
“Phải nhai xương mới ăn được tuỷ”
Cao Đình Hùng sinh năm 1974, tại xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Tốt nghiệp khoa Sinh học, Đại học Khoa học Huế năm 1996, tiếp đó tốt nghiệp Đại học Sư phạm Huế, chuyên ngành tiếng Anh năm 1997. Năm 1998, Hùng được nhận về làm việc tại Viện Sinh học Tây Nguyên (đóng ở thành phố Đà Lạt). Năm 2003, Hùng tự tìm học bổng sang Úc du học tại Trường Đại học Công nghệ Sydney. Sau đó, anh tìm được học bổng để học lên tiến sĩ tại Trường Đại học Sunshine Coast - một trong những trường danh tiếng hàng đầu của Úc và đã hoàn tất chương trình tiến sĩ vào tháng 6.2011 với đề tài như đã kể.
Tò mò với câu hỏi, đề tài của anh là lĩnh vực mà các nhà khoa học trên thế giới đã “đau đầu” suốt hơn 30 năm qua, nhưng anh chỉ có câu trả lời trong vòng 3 năm, chắc phải có điều gì đó đặc biệt trong quá trình nghiên cứu? Anh Hùng cười: “Có lẽ điều đặc biệt là những khó khăn, ách tắc của các nhà khoa học đi trước như một ngọn núi sừng sững đã thách thức tôi tìm mọi cách để vượt qua”. Anh bảo đó không chỉ là thách thức mà còn là con đường tiến duy nhất vì nghiên cứu khoa học, không còn cách nào khác là phải tìm ra cái mới. “Muốn ăn được tuỷ, muốn biết tuỷ ngọt, thơm như thế nào thì phải nhai xương thôi” - anh ví von. Nguyên nhân quan trọng nữa, theo anh là “do lối tư duy logic của các nhà khoa học phương Tây mà tôi tiếp thu được trong suốt những năm học ở Úc, kết hợp với khả năng cần cù và sáng tạo vốn có của người Việt Nam”.
Trước đây, Cao Đình Hùng cũng đã nghiên cứu giá trị dược liệu trên cây wasabi có nguồn gốc từ Nhật Bản nhằm phục vụ cho công nghệ thực phẩm và chữa bệnh ung thư. Công trình này cũng chính là luận án thạc sĩ của Hùng được xếp hạng nhất tại Đại học Công nghệ Sydney năm 2007.
Anh kể trong quá trình vượt qua “ngọn núi” đó, đã không biết bao lần anh bị tắt, bí đến mức muốn bỏ cuộc. “Tuy nhiên những lúc như vậy, trong đầu tôi lại hiện về những hình ảnh khó khăn của quê hương miền Trung. Chính sự khó khăn của quê nhà là động lực lớn nhất để giúp tôi vượt qua khó khăn”. Anh bảo: “Kể ra có thể nhiều người không tin, nhưng từ ngày ra nước ngoài để làm thạc sĩ, rồi tiến sĩ, sự nghèo khó, lạc hậu của quê hương luôn ám ảnh tôi, thôi thúc tôi phải làm điều gì đấy để thay đổi, chí ít cũng làm cho quê mình nở mày nở mặt về mặt danh tiếng. Đó là lý do tôi chọn việc nhân giống cây bạch đàn và gụ để nghiên cứu”.
Không chỉ gặp khó khăn trong nghiên cứu, anh còn rất khổ sở với việc túng thiếu do học bổng không đáp ứng được mức chi tiêu đắt đỏ ở Úc, nhưng anh lại không cho phép mình đi làm thêm như nhiều sinh viên, nghiên cứu sinh... người Việt khác vì “phải tập trung toàn bộ thời gian cho công trình nghiên cứu mới hy vọng tìm ra được sự đột phá”. Với lại, anh nói: “ Cũng vì áp lực kiếm tiền để sống, để gửi về Việt Nam, tôi đã chứng kiến nhiều sinh viên không theo kịp khoá học, kết quả đạt được không xuất sắc hoặc phải bỏ học giữa chừng”.
Hiện Cao Đình Hùng đã trở về công tác tại Viện Sinh học Tây Nguyên và đang ráo riết chuẩn bị đề cương để làm tiếp sau tiến sĩ (Postdocs) với đề tài nghiên cứu mang tầm thế giới có tên là: “Cải biến bộ gene của các giống cây trồng quý hiếm có tiềm năng ứng dụng to lớn”. Hiểu nôm na là tạo ra những giống cây mới cho gỗ tốt hơn, quả ngọt hơn... Đề cương của anh đã được các nhà khoa học ở nước ngoài đánh giá cao và đã được Chính phủ Úc đồng ý cấp học bổng cho anh nghiên cứu. Lý do để Chính phủ Úc cấp học bổng, theo anh là “họ nhận thấy công trình của tôi sẽ mang lại lợi ích vô cùng to lớn cho nước họ và cả thế giới”.
Sau khi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ về đề tài phương pháp nhân giống cây thân gỗ nhiệt đới mới tại Đại học Sunshine Coast, Cao Đình Hùng được nhiều trường đại học uy tín trên thế giới mời giảng dạy chính thức, làm trưởng phòng thí nghiệm, làm đại sứ; làm trợ lý giám đốc cho các công ty lâm nghiệp ở nước ngoài... với mức lương rất cao. Tuy nhiên, anh đã từ chối tất cả bởi lý do: “Nguyện vọng của tôi là muốn đóng góp một phần công sức nhỏ bé của mình để làm sao cho người dân nước mình, đặc biệt là miền Trung quê hương đỡ vất vả hơn. Tôi muốn sống và làm việc ở Việt Nam để có điều kiện cống hiến và thực hiện ước mơ của mình được nhiều hơn...”.
Giống cây bạch đàn của TS Cao Đình Hùng tại nhà kính.
Theo quy định của các nước phương Tây, trong thời gian làm tiến sĩ, nếu nghiên cứu sinh có được 5 công trình nghiên cứu khoa học được đăng tải ở các tạp chí quốc tế có uy tín thì không cần phải nộp luận án. Tuy nhiên, Cao Đình Hùng vừa có 5 công trình nghiên cứu khoa học đạt chuẩn, vừa nộp luôn luận án tiến sĩ. Đây là một trong rất nhiều lý do để Trung tâm Tiểu sử quốc tế “Who's who” ở vương quốc Anh liệt kê Cao Đình Hùng vào danh sách 1 trong 2.000 nhà khoa học, đồng thời cũng là 1 trong 2.000 nhà trí thức xuất sắc của thế kỷ 21.
Nguồn www.dantri.com.vn