(NTO) Theo các doanh nghiệp và chủ các đại lý, hộ kinh doanh, giá hàng hoá trong năm và so với cùng kỳ năm trước đều tăng từ 10-20% nhưng từ cuối tháng 9-2011 trở lại đây giá cả đã ổn định, thậm chí có nhiều mặt hàng giảm giá mạnh và có kèm khuyến mãi lớn.
Lực lượng Quản lý thị trường tăng cường công tác kiểm tra chất lượng hàng hóa dịp cuối năm.
Dạo quanh một số cửa hàng kinh doanh tại tuyến đường Thống Nhất và các chợ, siêu thị trên địa bàn Tp.Phan Rang-Tháp Chàm những ngày này, chúng tôi nhận thấy dù hàng hóa được bày bán khá nhiều từ các mặt hàng lương thực, thực phẩm, may mặc... nhưng có lẽ do khả năng tài chính của người dân có hạn bởi tác động của lạm phát nên không khí mua bán tại các chợ, siêu thị cũng chưa mấy sôi động.
Qua khảo sát thực tế tình hình thị trường cho thấy giá cả của các loại hàng hóa thiết yếu có nhu cầu tiêu dùng nhiều trong dịp Tết như lương thực, thực phẩm, bánh kẹo, nước giải khát, thuốc lá..., tại thời điểm này không có biến động lớn như: Gạo liên hương 10.400đ/kg, gạo thơm lài 14.000đ/kg, gạo nếp ngỗng 18.000/kg; nếp Bắc 24.000đ/kg; thịt heo đùi 90.000đ/kg; thịt bò (loại 1) 190.000đ/kg; dầu ăn Neptune 42.000đ/lít; giỏ quà Tết 200.000-300.000đ/phần loại thường; bia Heineken: 365.000đ/thùng; bia 333: 187.000đ/thùng; rượu vang Đà Lạt 90.000đ/chai; các loại mứt gừng, bí, mãng cầu…có giá từ 80.000-160.000đ/kg tùy theo loại; hạt dưa 78.000đ/kg; hạt điều tẩm 300.000đ/kg; các loại kẹo sôcôla, trái cây, đậu phộng… giá dao động từ 70-140.000đ/kg; thịt bò khô 500.000đ/kg…
Chị Trương Thị Huỳnh Linh, chủ Cửa hàng Cù Đe tại chợ Phan Rang cho biết: “Như mọi năm, lẽ ra chúng tôi đã tập kết xong các mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết như: mì tôm, bánh kẹo, rượu, mứt... nhưng năm nay do biến động về giá và sức mua chưa nhiều nên tôi chỉ đóng hàng ở mức độ cầm chừng. khi nào tiêu thụ hết mới tiếp tục nhận hàng về…”. Theo chị Linh, mối quan tâm hàng đầu của chị là chất lượng hàng hóa phải đảm bảo dù giá cao, lợi nhuận thấp hơn, bởi người tiêu dùng đã ý thức được việc sử dụng hàng hóa có chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Hiện nay, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) tỉnh cũng đã tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát các điểm kinh doanh dịch vụ trên địa bàn từ thành phố đến các vùng nông thôn để ngăn chặn việc kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các doanh nghiệp sản xuất lưu thông chân chính.
Ông Phạm Đức Thuần, Đội trưởng Đội QLTT số 1, Chi cục QLTT tỉnh cho biết: Từ nay đến Tết Nguyên đán sẽ gia tăng lượng hàng hóa giữa các địa phương, sức tiêu thụ của người dân cũng tăng cao, nên đơn vị sẽ tập trung lực lượng kiểm tra các mặt hàng lưu thông trên thị trường qua các khâu: vận chuyển, giao nhận, bày bán, dự trữ tại địa điểm kinh doanh, trọng tâm là các mặt hàng pháo nổ, đồ chơi mang tính bạo lực; bánh, mứt, kẹo, rượu đóng chai, bia, nước ngọt. Đồng thời, đội phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng trên địa bàn quản lý tăng cường kiểm tra, kiểm soát, giám sát, kịp thời phát hiện và ngăn chặn hành vi vận chuyển hàng hóa nhập lậu, hàng cấm, hàng giả. Kiểm tra niêm yết giá và bán theo giá niêm yết tại địa điểm kinh doanh, xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm, đảm bảo chất lượng hàng hóa, ổn định thị trường.
Năm 2011, lực lượng QLTT tỉnh đã phát hiện, xử phạt 185 vụ vi phạm trong hoạt động thương mại, với tổng số tiền gần 2,46 tỷ đồng. Bên cạnh đó, lực lượng QLTT còn đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng về các quy định của pháp luật trong hoạt động thương mại. Chính vì thế đã góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong sản xuất, kinh doanh thương mại, từng bước ổn định thị trường, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tạo điều kiện cho nhân dân vui Tết, đón xuân vui tươi, an toàn.
Hàn Dạ Nguyệt