(NTO) Phóng viên: Đồng chí cho biết công tác PCCC hiện nay tại tỉnh ta như thế nào?
- Đại tá Trần Văn Thành: Nhìn chung công tác PCCC đã được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo thực hiện theo quy định của Luật PCCC. Các biện pháp đảm bảo an toàn PCCC được triển khai như: Xây dựng lực lượng tại chỗ, đầu tư kinh phí mua sắm phương tiện PCCC; xây dựng phương án xử lý tình huống cháy nổ, chỉ đạo khắc phục các tồn tại thiếu sót có thể dẫn đến cháy, nổ ở cơ sở; phối hợp với lực lượng PCCC kiểm tra an toàn, tuyên truyền phổ biến kiến thức PCCC. Tuy nhiên, công tác PCCC vẫn còn hạn chế như việc khắc phục tồn tại về PCCC còn chậm. Trong khu vực kinh doanh, các điều kiện về mặt bằng chật hẹp, phương tiện PCCC thiếu. Bên cạnh đó, chế độ tự kiểm tra chưa phát huy và thực hiện đầy đủ. Các hoạt động PCCC như tuyên truyền, huấn luyện, trang bị phương tiện, kinh phí còn hạn chế, nên khi cháy xảy ra xử lý chậm và lúng túng. Việc thực hiện công tác PCCC trong nhân dân, hộ gia đình chưa cao, chủ quan, vì vậy cháy xảy ra chủ yếu trong khu vực này. Trong năm 2011, toàn tỉnh đã xảy ra 6 vụ cháy lớn gây thiệt hại trên 8 tỷ đồng, ngoài ra còn hàng chục vụ cháy nhỏ. Nguyên nhân cháy vẫn là do sơ suất khi sử dụng lửa và an toàn điện.
- Phóng viên: Như vậy, để đảm bảo an toàn PCCC trong dịp Tết, ngành chức năng đã có kế hoạch gì?
- Đại tá Trần Văn Thành: Thực hiện chỉ đạo của Giám đốc Công an tỉnh, lực lượng Cảnh sát PCCC đã phối hợp chặt chẽ với các ngành liên quan và công an các địa phương, tăng cường kiểm tra đôn đốc, nhắc nhở cơ quan, doanh nghiệp và các khu dân cư, tổ chức các hình thức tuyên truyền, phổ biến kiến thức PCCC để mọi người chấp hành. Trong năm 2011, đơn vị đã kiểm tra 640 lượt cơ quan, đơn vị, lập trên 620 biên bản kiểm tra, phát hiện gần 2.000 lượt thiếu sót về PCCC yêu cầu tổ chức, cá nhân có biện pháp khắc phục.
Hiện nay, chúng tôi đang thực hiện kế hoạch cao điểm bảo vệ Tết, trong đó tập trung kiểm tra an toàn PCCC đối với các lĩnh vực xăng, dầu, khí gas, các chợ, khu thương mại, khu dân cư, chung cư tập trung đông người. Bên cạnh đó, chuẩn bị lực lượng, phương tiện, phương án để chủ động, kịp thời xử lý các tình huống cháy nổ xảy ra, nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản. Qua đợt kiểm tra, những trường hợp vi phạm các quy định an toàn PCCC của các tổ chức và cá nhân, chúng tôi sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
- Phóng viên: Đồng chí có khuyến cáo như thế nào để người dân chủ động đảm bảo an toàn cháy nổ trong dịp Tết?
- Đại tá Trần Văn Thành: Đối với các cơ quan, doanh nghiệp, thủ trưởng đơn vị cần tăng cường kiểm tra, chỉ đạo khắc phục kịp thời những thiếu sót được phát hiện cũng như các giải pháp đảm bảo an toàn PCCC. Tổ chức lực lượng ứng trực đầy đủ, chuẩn bị các phương tiện, phương án huy động lực lượng tham gia để khi phát hiện cháy thì tổ chức chữa cháy kịp thời.
Trong nhân dân, các thành viên, hộ gia đình cần nâng cao ý thức PCCC trong sinh hoạt, kinh doanh, quản lý, sử dụng hợp lý an toàn nguồn điện, lửa. Hàng hóa, vật dụng dễ cháy phải để xa nguồn lửa, nhiệt và các hệ thống điện. Thắp nhang, đèn thờ cúng phải đặt nơi chắc chắn, không dễ đổ gây cháy. Thường xuyên kiểm tra van, hệ thống dây dẫn để tránh trường hợp rò rỉ gas. Khi phát hiện có mùi khí gas thì tuyệt đối không được bật mở công tắc điện, ngừng mọi hoạt động có thể sinh ra tia lửa, nguồn nhiệt, mở cửa thông thoáng và gọi điện cho cơ sở cung ứng ga, đến xử lý.
Trong mỗi gia đình, hộ kinh doanh phải trang bị các phương tiện chữa cháy như bình khí CO2, bình bột, nước để kịp thời xử lý đám cháy khi mới phát sinh. Các hộ kinh doanh, mặt bằng chật, hàng hóa nhiều phải có phương án thoát hiểm để đảm bảo an toàn tính mạng.
- Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí!
Ngũ Anh Tuấn (thực hiện)