Lại nói về “văn hóa giao thông” !

“Văn hóa giao thông” hiểu một cách nôm na đó là người tham gia giao thông chấp hành đầy đủ các quy định, quy tắc của pháp luật về an toàn giao thông, đồng thời ứng xử có văn hóa khi tham gia giao thông.

(NTO) Trên thực tế, qua tìm hiểu của chúng tôi thì số đông người ứng xử rất có văn hóa nói chung và cùng với đó thì vẫn còn một bộ phận thiếu ý thức khi tham gia giao thông. Biểu hiện cụ thể đó là: vượt đèn đỏ trong khi nhiều người đang đợi đèn xanh để đi; “nẹt bô”, phóng nhanh, lạng lách, đánh võng trên đường bất kể hậu quả; xe ô tô khách, ô tô tải bóp còi hơi “đinh tai nhức óc” làm giật mình người đi đường; thiếu lời xin lỗi khi vô ý va quẹt xe với người khác; đi hàng đôi, hàng ba trên đường, bá vai, đẩy xe khi tan trường… Có thể nói còn rất nhiều hình ảnh không đẹp trên đường rất dễ nhận thấy và hầu hết đều rơi vào đối tượng thanh, thiếu niên.

Nguyên nhân chủ yếu là xuất phát từ nhận thức, xốc nổi, bốc đồng… của tuổi trẻ. Còn xét về mặt khách quan có thể nói việc tuyên truyền, giáo dục về pháp luật an toàn giao thông vẫn chưa sâu rộng, chưa “thấm” đến nhiều người. Mặt khác, chế tài xử lý các trường hợp vi phạm chưa “đúng độ” để điều chỉnh hành vi. Gần đây tại các cột đèn tín hiệu cơ quan chức năng đã gắn thêm bảng quy định một số hành vi sẽ bị xử phạt nếu vi phạm trong đó có nêu rõ hành vi vượt đèn đỏ, uống rượu bia vượt quá “ngưỡng” cho phép khi tham gia giao thông. Tuy nhiên các hành vi vi phạm vẫn xảy ra thường nhật và có lẽ chỉ khi có cảnh sát giao thông trực tiếp tại các chốt đèn tín hiệu thì việc chấp hành mới nghiêm túc mà thôi!

Làm thế nào để “văn hóa giao thông” có “sức lan tỏa” nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Thìn 2012 nói riêng và “Năm An toàn giao thông 2012” nói chung. Vấn đề đặt ra là các ngành, địa phương cần khẩn trương triển khai thực hiện nghiêm túc kế hoạch 5545/KH-UBND ngày 28-12-2011 của UBND tỉnh về “Tổ chức Tháng hoạt động cao điểm Năm An toàn giao thông 2012 trên địa bàn tỉnh”. Theo đó yêu cầu là cần bảo đảm giao thông an toàn, thông suốt…; giảm tai nạn giao thông và tránh ùn tắc giao thông trong dịp Tết Nhâm Thìn và những ngày sau tết… Muốn vậy, trước tiên người tham gia giao thông cần phải tuân thủ quy định tốc độ khi lái xe; đi đúng phần đường, làn đường; hãy nói không với rượu bia khi lái xe…

Suy cho cùng, để thực hiện “văn hóa giao thông” ngoài tinh thần tự giác của người dân điều cũng rất cần đó là xử lý nghiêm của cơ quan chức năng cộng với đấu tranh của cộng đồng xã hội đối với các hành vi vi phạm cố tình.