(NTO) Về Bác Ái trong ngày cuối năm, không ai nghĩ rằng huyện vùng cao khó khăn ngày nào, nay thay đổi nhanh đến thế. Các tuyến đường vào trung tâm huyện, lên Phước Bình, qua Phước Trung…được cải tạo, mở rộng, trải nhựa. Hai bên đường là những ngôi nhà xây ngói đỏ. Từ khi các con đường hình thành đã tạo sự thông thương giữa Bác Ái với các huyện lân cận. Những con đường mang nặng dấu ấn sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, mở mang đến đâu, kinh tế phát triển đến đó.
Trung tâm huyện Bác Ái về đêm. Ảnh: D.A
Ngược lên xã Phước Bình, xe chạy bon bon dọc theo tuyến đường nhựa từ thôn Hành Rạc 1 qua thôn Bố Lang rồi đến thôn Bạc Ray 1, đâu đâu cũng thấy một màu xanh của cây trái. Tháng 12, thời điểm nông dân thu hoạch vụ Đông. Trước những căn nhà xây, bà con chất từng đống bắp, cà phê, chuối… chờ thương lái đến mua.
Đường giao thông Phước Bình- Ninh Bình được Nhà nước đầu tư xây dựng
đáp ứng tốt nhu cầu đi lại vận chuyển hàng hóa của nhân dân địa phương. Ảnh: Sơn Ngọc
Đồng chí Ka-tơ Quỳnh, Phó Bí thư Đảng ủy xã Phước Bình, chia sẻ niềm vui: “Giao thông thuận tiện, sản phẩm của bà con không bị tư thương ép giá như trước”. Đúng là giao thông đã giúp bà con từ bỏ tư duy sản xuất tự cung tự cấp chuyển sang sản xuất hàng hóa. Không riêng gì ở Phước Bình, mà một số hộ ở xã Phước Trung, Phước Chính… cũng đầu tư chăn nuôi bò, cừu, với tổng đàn lên đến hàng trăm con. Đáng kể nhất là mới đây địa phương triển khai mô hình nuôi heo khép kín trên quy mô lớn tại xã Phước Thắng.
Giờ tin học của học sinh Trường THCS Ngô Quyền. Ảnh: S.N
Cơ hội cho Bác Ái phát triển, nhất là ở lĩnh vực sản xuất nông nghiệp rất lớn, khi địa phương được Nhà nước đầu tư hàng ngàn tỷ đồng xây dựng các công trình thủy lợi. Ngoài một số đập, hồ nhỏ như Ô Cam, Phước Nhơn…, thì hồ Sông Sắt dung tích 69 triệu m3, hồ Trà Co dung tích 5 triệu m3 đảm bảo cung cấp nước thường xuyên cho hơn 5.000 ha đất sản xuất. Đó là chưa kể hồ Tân Mỹ dung tích 2 triệu m3 đang được thi công. Những hồ nước lớn “treo trên núi cao” làm cho vùng đất Bác Ái khô cằn ngày nào nay trở nên màu mỡ.
Bác Ái phát triển chăn nuôi gia súc. Ảnh: A.T
Niềm vui nối tiếp niềm vui khi gần đây địa phương được hưởng lợi từ Chương trình Nghị quyết 30a của Chính phủ. Đồng chí Pi-năng Thị Thủy, Chủ tịch UBND huyện, nhìn nhận: “Đây là chương trình lớn, có ý nghĩa thiết thực, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Chính phủ đối với những hộ nghèo. Cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở đang đoàn kết một lòng, phát huy nội lực để đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống”. Thật vậy, bắt đầu từ năm 2009 địa phương triển khai thực hiện Nghị quyết, đi đến đâu trên vùng đất Bác Ái anh hùng cũng gặp những công trình xây dựng. Hàng nghìn công nhân từ mọi nơi lên thi công các công trình trường học, trạm xá, đường giao thông nông thôn, hệ thống kênh mương thủy lợi… làm cho “phố núi” trở nên nhộn nhịp. Qua 2 năm thực hiện chương trình giảm nghèo theo Nghị quyết 30a, gần 1.000 hộ dân được hỗ trợ số tiền trên 19 tỷ đồng để xây nhà, 95% hộ nghèo được vay vốn ưu đãi để phát triển sản xuất. Đó là chưa kể 1.190 hộ được nhận rừng khoán quản, 740 hộ được hỗ trợ chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, cải tạo 1.800 ha đất…
Một góc khu tái định cư Phước Hòa. Ảnh: V.M
Riêng năm 2011, địa phương được đầu tư nhiều tỷ đồng để hoàn thành hệ thống kênh cấp 2, 3, thuộc công trình thủy lợi hồ Sông Sắt, tưới tiêu cho khoảng 1.500 ha đất sản xuất và hàng chục công trình phúc lợi khác. Chủ động được nước, UBND huyện chỉ đạo đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trực tiếp hỗ trợ nông dân thực hiện hàng loạt mô hình sản xuất, như mô hình trồng chuối ở xã Phước Tân, mô hình trồng lúa nước ở xã Phước Đại, mô hình trồng bắp lai ở xã Phước Chính… Qua thực hiện các mô hình, nông dân đã biết áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất cây trồng. Diện tích lúa nước ở địa phương đã tăng lên gấp nhiều lần so với trước đây, năng suất từ chỗ chỉ đạt bình quân khoảng 2 tấn/ha, thì nay tăng lên 5 tấn/ha. Đồng chí Pi-năng Thị Thủy, cho biết thêm: “Thành công nhất trong nông nghiệp đó là việc cán bộ kỹ thuật, đoàn viên thanh niên dạy cho dân biết trồng lúa nước”. Có thể nói, qua thực hiện các chương trình, dự án, nhất là việc triển khai có hiệu quả Nghị quyết 30a, đã từng bước đưa các xã khó khăn ra khỏi đói nghèo, đời sống của người dân được cải thiện.
Cây cao su sinh trưởng tốt trên vùng đất huyện Bác Ái tạo cơ hội cho nông dân
địa phương trồng cây công nghiệp đem lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Sơn Ngọc
Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý để cho huyện Bác Ái được áp dụng một số cơ chế, chính sách quy định tại Văn bản số 588 TTg-ĐP ngày 20/4/2009 đang thực hiện tại các tỉnh Tây Nguyên. Theo đó, các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao như Phước Thành, Phước Tân, Phước Hòa… sẽ được thực hiện một số đề án như: Phát triển thủy lợi vừa và nhỏ; ổn định sản xuất và đời sống cho các hộ tái định cư; phát triển hoạt động văn hóa, thông tin…Cơ hội giảm nghèo nhanh và bền vững ở địa phương vì thế đang rộng mở. Hiện tại, UBND huyện đang tập trung huy động nguồn lực để triển khai vào năm 2012. Với quyết tâm cao của toàn hệ thống chính trị, ý chí vươn lên từ chính nội lực của người dân, tin tưởng sang năm mới, Bác Ái sẽ gặt hái được nhiều thành công mới.
Anh Tùng