Tạo cơ chế trả lương phù hợp

Tiếp sau hội thảo ở TPHCM, Đà Nẵng, ngày 26-12, tại Hà Nội, Bộ Nội vụ và Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) tổ chức hội thảo “Định hướng cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức” giai đoạn 2013-2020.

Nâng mức lương tối thiểu của cán bộ, công chức

Theo Bộ Nội vụ, định hướng lộ trình cải cách tiền lương từ 2013 - 2020 chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 2013-2015 sẽ tập trung nguồn lực ưu tiên điều chỉnh mức lương tối thiểu đối với cán bộ công chức, viên chức phù hợp với phát triển KT-XH của đất nước. Đẩy mạnh triển khai thực hiện đổi mới phương thức hoạt động và cơ chế tài chính, tiền lương đối với đơn vị sự nghiệp công lập và khung giá dịch vụ theo cơ chế mới, đồng thời triển khai thực hiện Luật Viên chức.

 
Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Giai đoạn 2016-2020 tiếp tục điều chỉnh mức lương tối thiểu cho phù hợp với tình hình KT-XH của đất nước. Cụ thể, từ năm 2016 thực hiện mở rộng quan hệ mức lương tối thiểu - trung bình (tốt nghiệp đại học, hết tập sự) - tối đa (chuyên gia cao cấp bậc 3, tương đương bộ trưởng) từ 1,0 - 2,34 - 10,0 hiện nay lên 1,0 - 3,2 - 15,0.

Trên cơ sở đó ban hành hệ thống bảng lương, ngạch, bậc mới bảo đảm tính hợp lý, phù hợp với thứ bậc trong hệ thống chính trị. Sắp xếp lại các chế độ phụ cấp lương trên cơ sở xem xét đưa một số chế độ phụ cấp lương hiện hành vào mức lương theo quan hệ tiền lương mới.

Đề án định hướng cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2013-2020 nêu rõ, mức lương tối thiểu của cán bộ công chức giai đoạn 2013 - 2020 có 3 phương án: bằng mức tối thiểu vùng 1, khu vực doanh nghiệp (2 triệu đồng); bằng mức bình quân của các mức lương tối thiểu vùng của khu vực doanh nghiệp (1,680 triệu đồng) và căn cứ nhu cầu của bản thân người lao động, bằng mức chi tiêu đầu người bình quân của cả nước cộng thêm nhu cầu nuôi dưỡng cha mẹ, con cái (3,150 triệu đồng).

Bộ Nội vụ cho hay, mục tiêu của đề án là nâng mức lương tối thiểu của cán bộ, công chức từng bước đảm bảo mức sống tối thiểu và tương quan với mặt bằng tiền lương trên thị trường lao động... Tiến tới tiền lương (gồm cả phụ cấp) sẽ đạt mức trung bình khá trên thị trường lao động, để giữ và thu hút lao động có chất lượng làm việc trong cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội.

Chuyên gia giỏi có thể nhận mức thu nhập cao hơn lãnh đạo

Tại hội thảo, hầu hết các ý kiến đều cho rằng phải sớm cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Thang Văn Phúc cho rằng, tiền lương công chức hiện nay không phản ánh đúng giá trị lao động của họ, một loại lao động đặc biệt – lao động tham mưu, giúp việc quản lý. Do đó, các giá trị xã hội của công chức giảm sút, làm cho hiệu lực thực thi công vụ thấp, dễ bị tổn thương và là mảnh đất của tình trạng quan liêu, tham nhũng có cơ phát triển, trở thành vấn nạn của quá trình phát triển đất nước.

Theo TS Nguyễn Hữu Dũng, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội, chúng ta đã nhiều lần cải cách tiền lương nhưng vẫn còn nhiều bất cập, chính sách tiền lương không giúp người hưởng lương đủ sống nhưng thu nhập ngoài lương lại rất cao. Cải cách lương phải đặt trọng tâm là lành mạnh hóa nền hành chính, bởi nếu công chức vẫn không thể sống được bằng lương, đó sẽ là một tai họa.

Không ít ý kiến cho rằng, cán bộ, công chức hiện nay không sống nổi bằng lương, lương thấp là một trong những nguyên nhân làm nảy sinh nhũng nhiễu, tiêu cực, làm giảm hiệu quả của nền công vụ quốc gia. Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Quốc Toản nhấn mạnh: “Tham nhũng trong đội ngũ cán bộ, công chức là do lương không đủ sống. Đây là yếu tố phải phân tích kỹ để từ đó đưa ra được một chính sách cải cách phù hợp”.

Bên cạnh đó, rất cần phân biệt rõ hai đặc thù công việc của nhóm cán bộ, công chức: một đội ngũ chuyên tham mưu, tư vấn chính sách và đội ngũ còn lại làm công tác thừa hành. Phân biệt như vậy để có cơ chế trả lương phù hợp, cũng đồng thời khuyến khích cán bộ công chức chuyên tâm công việc, cống hiến, không tìm mọi cách để thăng quan tiến chức.

Thậm chí, chuyên gia tư vấn giỏi có thể nhận mức thu nhập cao hơn lãnh đạo. “Bộ máy rất cần những chuyên gia giỏi, không khuyến khích việc chạy theo chức vụ, thăng quan tiến chức”, ông Toản nói.

Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Đặng Như Lợi góp ý, tiền lương ngoài việc đảm bảo cuộc sống của cán bộ công chức và gia đình họ còn phải đào thải được cán bộ, công chức, viên chức không đảm bảo yêu cầu. Lương cần chống bình quân, cào bằng. Giảm và tiến tới xóa bỏ các chế độ bồi dưỡng trong hội họp, tiền ăn trưa và các thu nhập tương tự khác.

Nguồn Báo SGGP Online