Ba bệnh nghề nghiệp được bổ sung gồm: bệnh nhiễm độc Cadimi nghề nghiệp, bệnh nghề nghiệp do rung toàn thân, nhiễm HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp.
Theo đó, người lao động đã được giám định là mắc các bệnh nói trên sẽ được hưởng các chế độ bảo hiểm theo quy định tại Bộ luật Lao động và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Bộ luật Lao động.
Cụ thể, người lao động tiếp xúc với Cd trong không khí môi trường lao động có nồng độ cao hơn Tiêu chuẩn vệ sinh lao động cho phép: 0,01mg/m3 trung bình ca hoặc từng lần trên 0,05mg/m3 không khí; thời gian tiếp xúc từ 3 năm trở lên; thời gian bảo đảm: 3 năm; có các biểu hiện lâm sàng của tổn thương thận, tổn thương xương, tổn thương đường hô hấp.
Người lao động tiếp xúc với rung xóc vượt quá tiêu chuẩn vệ sinh cho phép cả gia tốc và vận tốc; thời gian tiếp xúc từ 5 năm trở lên; thời gian bảo đảm: 1 năm, có các triệu chứng lâm sàng toàn thân, đau thắt lưng, đau vùng trước ngực, đau hạ sườn phải, có dấu hiệu về dạ dày – tá tràng, dấu hiệu về tiết niệu… giúp chẩn đoán bệnh nghề nghiệp do rung toàn thân.
Người lao động trong quá trình thực hiện nhiệm vụ bị dịch sinh học, máu người nhiễm HIV dây dính lên da, niêm mạc bị tổn thương; có Giấy chứng nhận bị phơi nhiễm với HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp và Giấy chứng nhận bị nhiễm HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp theo quy định hiện hành (hiện tại là Quyết định số 120/2008/QĐ-TTg ngày 29/8/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định điều kiện xác định người bị phơi nhiễm với HIV, bị nhiễm HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp); thời gian tiếp xúc: từ một lần trở lên; thời gian chẩn đoán muộn nhất: sáu tháng sau lần tiếp xúc với dịch sinh học, máu người nhiễm HIV lên da, niêm mạc bị tổn thương. Các triệu chứng lâm sàng: có hoặc chưa có các biểu hiện hội chứng suy giảm miễn dịch và nhiễm trùng cơ hội (lao, viêm phổi, sốt kéo dài, rối loạn tiêu hoá...
Thông tư có hiệu lực kể từ ngày 15/1/2012.
Theo VnMedia