Theo thông báo của NASA hôm 20/12, kính thiên văn vũ trụ Kepler đã phát hiện được hai hành tinh ngoài Hệ mặt trời có kích thước tương đương với Trái đất. Hai hành tinh nhỏ nhất ngoài Hệ mặt trời, lần lượt được đặt tên là Kepler-20e và Kepler-20f, được khẳng định quay quanh quỹ đạo của một ngôi sao giống với Mặt trời.
Hình ảnh mô phỏng hành tinh Kepler-20e.
Tuy nhiên, hành tinh Kepler-20e và Kepler-20f có quỹ đạo quá gần ngôi sao của chúng. Vì thế, các nhà khoa học phỏng đoán hai hành tinh này ít khả năng nằm trong khu vực có thể tồn tại sự sống hay chứa nước ở dạng lỏng trên bề mặt.
“Đây là lần đầu tiên chúng ta phát hiện được những hành tinh có kích thước giống với Trái đất quay quanh một ngôi sao ngoài Hệ mặt trời”, tiến sĩ Francois Fressin, thuộc Trung tâm nghiên cứu Vật lý học thiên thể Harvard-Smithsonian tại Massachusetts (Mỹ), cho biết trên Reuters.
Theo các nhà nghiên cứu, hai hành tinh mới được phát hiện có kết cấu địa chất chủ yếu là đá. Kepler-20e có kích thước nhỏ hơn sao Kim một chút và có bán kính bằng 0,87 lần bán kính Trái đất. Trong khi đó, Kepler-20f lớn hơn Trái đất một chút với bán kính gấp khoảng 1,03 lần Trái đất.
Cả hai hành tinh Kepler-20e và Kepler-20f thuộc hệ 5 hành tinh, được đặt tên chung là Kepler-20. Hệ hành tinh này nằm trong chòm sao Lyra cách Trái đất khoảng 1.000 năm ánh sáng. Hành tinh Kepler-20e có quỹ đạo quay quanh ngôi sao mẹ khoảng 6,1 ngày/vòng và Kepler-20f là 19,6 ngày/vòng.
Nhiệt độ trung bình trên bề mặt Kepler-20f khoảng 427ºC, tương đương nhiệt độ trung bình trên bề mặt sao Thủy. Trong khi, nhiệt độ trên bề mặt Kepler-20e lên tới 760ºC – mức nhiệt có thể làm chảy thủy tinh.
Kính thiên văn vũ trụ Kepler tìm kiếm những hành tinh có điều kiện tương tự Trái đất bằng cách đo lượng ánh sáng phát ra từ hơn 150.000 hành tinh trong vũ trụ khi chúng đi qua trước ngôi sao mà chúng quay quanh.
Nguồn VietNamNet