Thông cáo báo chí của AT&T có đoạn: “Những hành động ngăn chặn của Ủy ban Truyền thông Liên bang (FCC) và Bộ Tư pháp Mỹ chẳng thể thay đổi được thực trạng của nghành công nghiệp không dây tại Mỹ. Đây là một trong những thị trường viễn thông có tính cạnh tranh khốc liệt nhất trên thế giới. Nhu cầu cần được mở rộng dải tần là cần thiết và phải được giải quyết ngay lập tức.”
“Nếu được thông qua, thương vụ mua lại T-Mobile của chúng tôi sẽ mang tới giải pháp tạm thời để xử lý vấn đề thiếu hụt dải tần hiện nay. Khi thỏa thuận mua bán này bị hủy bỏ, khách hàng chính là những người phải chịu thiệt hại,” thông cáo báo chí của AT&T cho biết thêm.
Thương vụ trị giá 39 tỷ USD của AT&T đã vấp phải rất nhiều sóng gió kể từ khi thông báo tới nay. Trong đó, đặc biệt phải kể tới nỗ lực ngăn chặn mạnh mẽ từ Bộ Tư pháp Mỹ, khi cơ quan này kiên quyết đâm đơn kiện đòi hủy bỏ thương vụ tới cùng.
Ngoài ra, những nhà mạng đối thủ khác của AT&T và T-Mobile như Sprint cũng vô cùng lo lắng trước vụ sáp nhập có thể giúp cho nhà mạng lớn thứ 2 của Mỹ bành trướng thị trường.
Với việc chấp nhận “buông” vụ mua bán đình đám này, AT&T sẽ phải trả khoản phí phá vỡ thỏa thuận lên tới 4 tỷ USD cho T-Mobile.
Nguồn VietNamNet