Năm 1998, trong một dự án có tên là Spaceguard, Cơ quan vũ trụ Mỹ (NASA) được Quốc hội Mỹ yêu cầu tìm kiếm 90% các thiên thạch có đường kính trên 1km đang bay gần Trái đất. Các nhà khoa học học của NASA đã sử dụng kính thiên văn WISE để tiến hành cuộc khảo sát.
2005 YU55 – một trong những thiên thạch có thể va chạm với Trái đất.
Cuộc khảo sát được hoàn thành mới đây, với kết quả tìm kiếm được 93% thiên thạch có đường kính trên 1 km đang bay gần Trái đất. Ngoài ra, các nhà khoa học cũng phát hiện được khoảng 20.500 thiên thạch có kích thước nhỏ hơn đang bay gần hành tinh của chúng ta.
Trong khi đó, những nghiên cứu trước đây ước tính có khoảng 36.000 đến 100.000 thiên thạch có đường kính khoảng 100 m đang bay quanh Trái đất.
“Những thiên thạch có thể va chạm mạnh với Trái đất”, tiến sĩ Amy Mainzer, thuộc Phòng thí nghiệm phản lực (JPL) của NASA, cho biết trên Reuters. “Bất cứ cuộc va chạm nào cũng sẽ gây ra những thiệt hại thảm khốc như đã từng xảy ra trước đây khiến nhiều loài động vật trên Trái đất tuyệt chủng”.
Các đây 65 triệu năm, một thiên thạch hoặc một sao chổi có đường kính từ 5 đến 10 km được cho là đã va chạm với Trái đất. Vụ va chạm này đã gây ra hiện tượng biến đổi khí khậu toàn cầu, dẫn tới sự tuyệt chủng của loài khủng long và nhiều động vật khác trên hành tinh của chúng ta.
Hiện tại, các nhà khoa học của NASA vẫn đang phân tích dữ liệu của kính thiên văn để tìm kiếm những thiên thạch bay gần Trái đất trong phạm vị 7,4 triệu km. Những thiên thạch nằm trong phạm vi này được cho là có nguy cơ va chạm với Trái đất cao nhất. Mặc dù vậy, cho đến nay, chưa có kế hoạch hành động nào chuẩn bị cho tình huống thiên thạch va chạm với Trái đất.
Nguồn VietNamNet