Tin buồn là những hành tinh “kim cương” này không thân thiện với sinh vật sống chút nào.
Theo Phòng thí nghiệm Thiên văn của Đại học Ohio, các nhà khoa học đã tái tạo nhiệt độ và áp lực tại tầng thấp của vỏ Trái đất, nhằm tìm hiểu về cơ chế hình thành nên kim cương.
Mục tiêu lớn hơn là để hiểu được chuyện gì đã xảy ra với nguồn carbon bên trong các hành tinh của Thái dương hệ, và liệu những thái dương hệ giàu carbon có thể sản sinh ra những hành tinh chủ yếu là kim cương hay không.
Theo ScienceDaily, Phó Giáo sư Wendy Panero đã vận dụng những thông tin thu được từ thí nghiệm để phát triển một mô hình khoáng chất trên máy tính. Kết quả cho thấy, “những hành tinh lớn gấp 15 lần Trái đất với phân nửa trọng lượng là kim cương” hoàn toàn có thể tồn tại trong vũ trụ.
Chia sẻ tại Hội thảo của Liên minh Địa – Vật lý Quốc gia Mỹ (San Francisco), bà Panero cho biết kết quả nghiên cứu “thật sự bất ngờ”, bởi những hành tinh giàu carbon cũng có thể hình thành từ một lõi nhân và lớp vỏ bề mặt giống như Trái đất. Tuy nhiên, phần lõi sẽ cực kỳ giàu carbon, rắn như thép, trong khi bề mặt chủ yếu là carbon thể kim cương.
Trong khi đó, phần lõi Trái đất chủ yếu là sắt còn phần vỏ chủ yếu là khoáng chất gốc silica.
Nguồn năng lượng nhiệt khổng lồ bên trong lõi Trái đất giúp cho hành tinh ấm và duy trì sự sống. Ngược lại, kim cương truyền nhiệt rất chậm nên bề mặt của các hành tinh giàu carbon sẽ đóng băng rất nhanh. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc không có bất cứ năng lượng địa nhiệt, không từ trường và không bầu khí quyển. “Đó là nơi lạnh lẽo, đen tối”, bà Panero phân tích, “không phù hợp cho sự sống”.
Về phần mình, Trái đất thực ra cũng có một lớp giàu kim cương, nhưng chúng hiện diện ở ngay phía trên lõi Trái đất nên gần như không thể khai thác được.
Nguồn Dân Việt