Diễn đàn năm nay với chủ đề “Hướng tới tăng cường chất lượng cung cấp dịch vụ công” sẽ diễn ra sáng 8-12 tại Hà Nội, do Bộ Nội vụ phối hợp với UNDP tổ chức.
Đại diện các bộ, ngành sẽ trình bày nhiều tham luận phân tích chương trình cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2020 cũng như đề xuất nhiều phương án cụ thể về cung cấp dịch vụ công trong các lĩnh vực như giáo dục, y tế...
Học sinh trường tiểu học Yên Thường, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Ảnh: Bảo Anh
Như nhận định của Vụ trưởng Vụ CCHC, Bộ Nội vụ Đinh Duy Hòa, chương trình tổng thể cải cách hành chính giai đoạn tới mới được Thủ tướng phê duyệt đã xác định rất rõ ba trọng tâm là cải cách thể chế, con người và cải cách chất lượng dịch vụ công.
Riêng trong lĩnh vực chất lượng dịch vụ công, các mục tiêu hướng tới đã cụ thể hơn rất nhiều. Chẳng hạn, đến năm 2020, trên 80% người dân hài lòng về dịch vụ y tế công và giáo dục công. Chính phủ sẽ xây dựng và đưa vào áp dụng bộ chỉ số đo lường sự hài lòng của người dân về các dịch vụ này.
Trong tham luận gửi tới hội thảo đánh giá về mô hình dịch vụ công trong lĩnh vực giáo dục đào tạo đại học công lập, ông Nguyễn Văn Vui - Phó vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Giáo dục - Đào tạo cho rằng, riêng trong lĩnh vực thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các trường vẫn còn nhiều hạn chế. Chẳng hạn, cơ chế tài chính thiếu hợp lý, việc phân loại các trường đại học công lập dựa trên tỷ lệ thu sự nghiệp với tổng chi hoạt động thường xuyên để xác định mức độ tự chủ chưa phù hợp...
Ông Vui đề xuất, tiến tới cần sửa đổi, bổ sung mô hình cung ứng dịch vụ công trong giáo dục. Trước hết là thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tổ chức, biên chế, về tài chính.
Đại diện Bộ Y tế cũng đưa ra nhiều đề xuất đổi mới về cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về dịch vụ khám chữa bệnh với các bệnh viện công. Theo đó, các cơ chế, chính sách về an sinh xã hội phải tạo điều kiện để người bệnh cũng như bệnh viện được tiếp cận, sử dụng và thanh toán thuận lợi, công bằng.
Nguồn VietNamNet