(NTO) Hộ có điều kiện thì “gia cố” lại hàng rào, cửa nẻo để chống trộm, hộ khó khăn thì chỉ còn cách cử người túc trực, không dám để nhà “vắng chủ”mỗi khi đi làm hay đi chợ… Đáng ngại nhất là tình hình ăn cắp “công khai” tại các vườn cây trái chuẩn bị thu hoạch. Các “khổ chủ” bắt quả tang nhưng không làm gì được, thậm chí còn bị đe dọa sẽ chặt phá hoặc hành hung lại chủ vườn…
Trước các hành động nói trên điều đáng nói là người dân lại không dám làm gì đối với các đối tượng càn quấy này! Qua tìm hiểu chúng tôi được biết nguyên nhân chính là tư tưởng ngại đụng chạm, sợ tư thù nếu can thiệp. Mặt khác, chính quyền địa phương tỏ ra thiếu kiên quyết trong xử lý mặc dù nhân dân có trình báo nên các đối tượng tỏ ra “lờn mặt” và ngày càng có thái độ liều lĩnh, mang tính thách đố….
Vấn đề nhiều người dân quan tâm, đó là cần xử lý dứt điểm các đối tượng nêu trên để đem lại bình yên cho cuộc sống người dân. Vậy đâu là giải pháp? Theo kinh nghiệm của những địa phương đã làm tốt vấn đề này, đầu tiên đó là cần xuất phát từ cơ sở. Hơn ai hết chính cơ sở là nơi phát hiện, hiểu biết tường tận từng đối tượng. Từ đó, động viên gia đình phối hợp giáo dục kết hợp với răn đe và đưa ra kiểm điểm trước nhân dân nếu không sửa đổi. Nếu đối tượng tái phạm cần xử lý kiên quyết theo pháp luật. Nhiều năm qua, từ phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc đã góp phần làm cho cuộc sống nhiều địa phương trở nên yên bình, hiền hòa. Do vậy, cần tiếp tục phát động sâu rộng, thực chất phong trào này, tránh hình thức. Muốn vậy, những thôn khu phố nào để xảy ra tình trạng mất cắp vặt, tụ tập băng nhóm của thanh thiếu niên hư…thì cần xem lại “báo cáo thành tích”. Các đơn vị liên quan như công an, các đoàn thể cũng cần tham gia phong trào và gắn với kết quả thực tế. Làm tốt thì khen thưởng, chưa tốt thì sửa chữa, chấn chỉnh. Có vậy, phong trào nói trên mới mạnh, mà phong trào mạnh thì tất yếu sẽ đẩy lùi các hành vi trái quy định của pháp luật.
Tuấn Dũng