Lịch cao cấp đắt khách
Tại nhà sách Quang Bình (Quang Minh cũ) thuộc Công ty Hương Trang, một trong những đơn vị làm lịch thuộc hạng thâm niên, không khí những ngày cuối tháng 11 vô cùng bận rộn. Chị Thúy, đại diện nhà sách, cho biết: “Nhu cầu lịch năm nay khá lớn, dù đã lường trước nhưng chúng tôi vẫn bị bất ngờ nên nhiều đơn đặt hàng phải chờ, phải đến đầu tháng 1-2012 mới có thể giao đủ lịch”. Cũng theo chị Thúy, năm nay xuất hiện nhiều mẫu lịch mới, trong đó đáng chú ý là những mẫu lịch siêu cực đại có kích thước hơn 0,5m, giá hơn 500.000 đồng/bloc. Tuy nhiên, loại lịch bán đắt hàng nhất là lịch có kích cỡ 20x28cm đến 29x41cm với giá 200.000 – 350.000 đồng.
Đa dạng lịch bloc năm 2012 trên thị trường. Ảnh: An Dung
Nhiều chủ cửa hàng lịch trên đường Nguyễn Thị Minh Khai cho biết năm nay dù giá lịch tăng cao nhưng sức mua không giảm, đặc biệt lịch bloc loại cao cấp vẫn đắt khách.
Về nội dung, nhiều kiểu lịch mang tính cầu chúc may mắn trong kinh doanh gây chú ý như Chiêu tài tấn bảo, Thuận buồm xuôi gió, Đắc tài đắc lộc… với những kiểu dáng thần tài, vàng nén rất ăn khách. Không những thế, do diện tích của các loại lịch bloc ngày càng lớn, có loại mỗi tờ lịch còn to hơn cả khổ nhật báo nên bên cạnh việc xem ngày tháng còn có các thông tin về văn hóa lễ hội, sự kiện lịch sử, ngày lễ kỷ niệm… Lịch bloc hiện nay đã vượt ra ngoài phạm trù một công cụ thời gian mà thiên về một sản phẩm trang trí nội thất. Cũng chính vì thế, loại lịch tờ vốn đã bế tắc về mặt nội dung nhiều năm qua đang bị lép vế, mất dần chỗ đứng, nhiều cửa hàng chỉ trưng bày cho có.
Sức mua trên thị trường lịch năm 2012 dự báo không giảm. Ảnh: An Dung
Tùy thị trường điều tiết
Trước đó, có nhiều ý kiến cho rằng cần phải có sự điều tiết theo kiểu định mức của nhà nước để tránh tình trạng lãng phí trong việc sản xuất lịch bloc. Thế nhưng, theo ông Nguyễn Hoàng Dũng, Phó giám đốc NXB Đại học Quốc gia TPHCM, sản xuất lịch cũng như sản xuất mọi mặt hàng khác, nếu không nắm bắt được thị trường, khó sống nổi. Do đó, không thể dựa vào cớ này để áp định mức.
Tuy các đơn vị làm lịch có khi đăng ký số lượng sản xuất rất lớn, lên đến vài trăm triệu bloc nhưng “đó chỉ là đăng ký dự phòng, giữ chỗ chứ chả ai điên làm nhiều vậy nếu thị trường không có yêu cầu”, ông Dũng cho biết. Và có lẽ ai vin vào điều đó để cho rằng thế là lãng phí của cải xã hội là người không am hiểu hoặc làm bộ không hiểu, nhằm dễ bề áp định mức theo kiểu phân bổ, ban phát độc quyền như trước đây. Thực tế, các đơn vị làm lịch khi được tự chủ sẽ rất năng động, rất tiết kiệm và cạnh tranh giá để người dân được lợi.
Để đảm bảo đáp ứng nhu cầu khách hàng, những người làm lịch đã phải tìm mọi cách nắm bắt thị trường, thăm dò yêu cầu của khách hàng về mẫu mã, kích cỡ, chất lượng… Ví dụ như năm nay lượng lịch bloc dạng mỗi tờ một tuần đã giảm hẳn sau 1-2 năm xuất hiện do khách hàng chê loại lịch này là “lai căng” giữa lịch bloc và lịch tờ nhưng vừa thiếu sự đơn giản của lịch tờ lại mất đi cái chi tiết của lịch bloc. Trong khi đó, các loại lịch chuyên biệt như lịch tôn giáo, lịch sản xuất theo phong thủy, lịch giả cổ… cũng xuất hiện khá nhiều do có yêu cầu từ khách hàng. Điều này rất khó thực hiện nếu theo cơ chế định mức với mẫu mã lịch chỉ gói gọn trong vài kiểu do các nhóm làm lịch tự đề ra theo ý kiến cá nhân, không quan tâm đến yêu cầu thị trường.
Mùa lịch 2012 tuy vẫn còn những nỗi ám ảnh về định mức, cơ chế đặc thù… nhưng chính thị trường đã phản ánh rõ nét nhất tính tích cực của xã hội hóa trong kinh doanh lịch bloc.
Nguồn Báo SGGP Online