Với chủ đề “Giai đoạn mới cho tăng trưởng cạnh tranh”, VBF 2011 chuyển tải thông điệp về ổn định và khôi phục lòng tin. Tại Diễn đàn, các đại biểu tham dự đã nghe báo cáo "Cảm nhận môi trường đầu tư, kinh doanh" của các hiệp hội doanh nghiệp trong và ngoài nước; báo cáo tóm tắt về tình hình kinh tế xã hội Việt Nam và định hướng phát triển năm 2012 trước khi thảo luận sâu về 5 lĩnh vực: ngân hàng; thị trường vốn; sản xuất và phân phối; thuế; đất đai.
Chế biến hạt điều để xuất khẩu. Ảnh: Cao Thăng
Theo báo cáo "Cảm nhận môi trường đầu tư, kinh doanh" được trình bày tại diễn đàn, các doanh nghiệp trong nước có cái nhìn lạc quan hơn về môi trường đầu tư so với cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài trên hầu hết các lĩnh vực (12/14 lĩnh vực), đơn cử như hạ tầng vận tải, nỗ lực cải cách hành chính… Hai lĩnh vực có sự khác biệt lớn đáng chú ý trong cảm nhận giữa các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài là mức độ gia nhập thị trường và lao động. Hơn một nửa số doanh nghịêp trong nước cho rằng có sự giảm bớt những rào cản khi gia nhập thị trường trong khi tỷ lệ này ở các doanh nghiệp nước ngoài là 28%. Gần 29% doanh nghiệp trong nước cho rằng việc thuê và sa thải lao động dễ dàng hơn, trong khi tỷ lệ này ở các doanh nghiệp nước ngoài chỉ là 7%...
Tuy nhiên, theo khảo sát tại VBF, doanh nghiệp hiện vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh. Đã có khoảng 48.000 doanh nghiệp tuyên bố tạm ngừng hoạt động trong 10 tháng đầu năm 2011, trong Bảng xếp hạng 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2011 (được công bố vào ngày 29-11), 18% doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2010 đã “biến mất” trong bảng xếp hạng của năm nay do sụt giảm về doanh thu.
Nguồn Báo SGGP Online