(NTO) Theo Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh đến năm 2020, một trong bốn Chương trình kinh tế trọng điểm ưu tiên phát triển đó là phát triển Ninh Thuận trở thành trung tâm sản xuất năng lượng sạch của cả nước mà trọng tâm là điện hạt nhân và năng lượng tái tạo. Phấn đấu đến năm 2020 cụm ngành này đóng góp 11% GDP của tỉnh và giải quyết 5 - 8% nhu cầu năng lượng quốc gia, chiếm 8% lao động xã hội. Theo đó, các định hướng chính về phát triển cụm ngành công nghiệp năng lượng đó là, ngoài nguồn lực Trung ương đầu tư 2 nhà máy điện hạt nhân với quy mô công suất mỗi nhà máy 4.000 MW. Đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng cho quốc gia. Cụ thể :
+ Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 1 sẽ được xây dựng tại xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam. Tổng diện tích chiếm đất trên đất liền là 540 ha và 310 ha diện tích mặt nước biển. Khởi công nhà máy vào năm 2014 và đưa tổ máy đầu tiên của nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 1 sẽ được vận hành thương mại vào năm 2020.
Mô hình xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 tại thôn Vĩnh Trường,
xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam.
+ Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 2 sẽ xây dựng tại thôn Thái An, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải; có diện tích chiếm đất khoảng 560 ha.
Ngoài ra tỉnh còn huy động các nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước để đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo bao gồm điện gió, điện mặt trời và phát triển thủy điện, cụ thể:
+ Thu hút đầu tư các dự án năng lượng gió, năng lượng mặt trời ở các khu vực có tiềm năng theo quy hoạch gồm 14 điểm trên địa bàn tỉnh, với quy mô từ 1.500 – 2.000 MW, từng bước hình thành vùng trọng điểm năng lượng sạch của quốc gia. Trong đó giai đoạn 2011 - 2015, ưu tiên phát triển các nhà máy điện gió có tiềm năng trên địa bàn các huyện Ninh Phước, Thuận Nam và Thuận Bắc.
Giai đoạn 2011-2015, tỉnh ta ưu tiên phát triển các nhà máy điện gió
với quy mô từ 1.500 - 2.000 MW. Trong ảnh: Mô hình sản xuất điện gió.
+ Phát triển loại hình thủy điện tích năng đầu tiên trên cả nước với quy mô 1.200 MW trên hệ thống thủy lợi Tân Mỹ, dự kiến hoàn thành và đi vào hoạt động vào năm 2020. Một số công trình thủy điện quy mô nhỏ gắn với các công trình thủy lợi như Tân Mỹ, sông Than, Ô Căm...
Có thể nói việc đầu tư vào lĩnh vực năng lượng sẽ tạo động lực thúc đẩy phát triển các cơ sở giáo dục - đào tạo, nghiên cứu khoa học và xây dựng chuyên ngành về lĩnh vực này, góp phần tạo tăng trưởng nhanh và bền vững.
Tuấn Dũng