(NTO) Cụ thể phấn đấu đạt sản lượng 45.000 tấn khoai mì tươi, 90.000 tấn mía đường, 1.600 tấn hạt điều, 2.500 tấn thuốc lá và 16.000 tấn nho. Đối với ngành chăn nuôi, tỉnh ta thực hiện phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng tập trung trang trại có kiểm soát để nâng tỷ trọng lên 31% cơ cấu ngành; phấn đấu nâng tỷ lệ sind hóa đàn bò lên 34% và tăng chất lượng đàn dê, cừu.
Sản lượng lúa vượt 35,86% kế hoạch năm nhờ diện tích trồng lúa tăng 2,82%
Nhìn lại những kết quả đạt được trong năm, theo Sở NN-PTNT, về lĩnh vực trồng trọt nhờ tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm mở rộng, năng suất tăng nên sản lượng lúa, mía cây, bắp tăng đáng kể đáp ứng nhu cầu nguồn nguyên liệu phục vụ cho hoạt động chế biến xuất khẩu của các doanh nghiệp, trong đó riêng cây lúa thu hoạch đạt sản lượng gần 217.000 tấn (vượt 3,2% kế hoạch). Cụ thể diện tích nhóm cây lương thực tăng 4,8% (lúa tăng 2,82%, bắp tăng 9,1%, khoai mì có diện tích thu hoạch tăng 7,09%), đặc biệt diện tích mía cho thu hoạch là 2.279 ha, đã tăng 32,6% (đạt sản lượng 122.272 tấn, vượt 35,86% kế hoạch, tăng 40% so với năm 2010). Tuy nhiên sản lượng một số cây công nghiệp ngắn ngày lại giảm so với năm 2010 như hạt điều đạt 1.422 tấn (giảm 1%), thuốc lá giảm 1.460 tấn (45,5%); đặc biệt cây ăn trái chủ lực là nho chỉ ước đạt gần 14.200 tấn (giảm 12,4%) do diện tích nho cho thu hoạch chỉ còn 617 ha (trong đó có 148 ha trồng mới trong năm), thấp hơn con số diện tích 710 ha của năm 2010.
Giống nho mới đang được nông dân xã Phước Hậu (Ninh Phước) trồng
cho thu hoạch năng suất cao
Về chăn nuôi, bên cạnh thời tiết tương đối thuận lợi cho gia súc chăn thả, nhờ làm tốt công tác tiêm phòng và giám sát gia súc, gia cầm chặt chẽ nên không xảy ra dịch bệnh trên địa bàn tỉnh. Số lượng trâu, bò và dê có giảm về tổng đàn nhưng tăng số lượng giết thịt vì người nuôi bán được giá. Đối với đàn bò, tính đến đầu tháng 10 toàn tỉnh có gần 107.000 con, dù giảm 6,4% so với năm 2010 nhưng tỷ lệ sin hóa đạt 34%, hoàn thành kế hoạch đề ra. Riêng đàn cừu có xu hướng mở rộng với tổng số gần 82.500 con, tăng 20,3% năm trước, nguyên nhân do nhiều hộ đã chuyển từ nuôi dê sang nuôi cừu vì điều kiện chăn thả thuận lợi hơn. Đàn heo có xu hướng mở rộng trong các tháng đầu năm với số lượng thả nuôi trên 58.000 con, tăng 1%, nhưng do giá heo đã giảm, chi phí con giống, thức ăn tăng nên tốc độ chăn nuôi heo hiện nay có phần chững lại. Đối với đàn gia cầm có gần 1.750.000 con, so với năm trước tăng 19%, đáng nói tổng sản lượng thịt gia cầm xuất chuồng ước đạt 4.458 tấn, đã tăng 8,8%.
Chăn nuôi cừu có xu hướng mở rộng đã tăng đàn 20,3% năm trước
Chuẩn bị bước vào năm 2012, trên cơ sở dự báo các yếu tố thuận lợi và khó khăn, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh đã đề ra mục tiêu phát triển nông nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng tăng trưởng, sản xuất sạch để phát triển bền vững; chuyển dịch mạnh cơ cấu nội bộ ngành để nâng cao hiệu quả; mở rộng quy mô sản xuất hợp lý ở vùng chủ động tưới, chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện từng vùng theo nhu cầu thị trường, ứng dụng khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất để nâng cao năng suất và hiệu quả sản xuất trên ha đất canh tác. Lĩnh vực chăn nuôi cũng phát triển theo hướng bền vững, đầu tư thâm canh, bán công nghiệp, kết hợp chăn nuôi trang trại và hộ gia đình gắn với quy hoạch phát triển đồng cỏ, chú trọng từ khâu giống, thức ăn, công tác phòng chống dịch bệnh để nâng cao chất lượng đàn gia súc, gia cầm, duy trì quy mô tổng đàn, phát triển theo hướng nâng cao chất lượng đàn gia súc gắn với công nghiệp chế biến. Cụ thể toàn tỉnh phấn đấu đạt sản lượng 216.000 tấn lúa, 16.000 tấn nho, 141.000 tấn mía cây, 66.000 tấn khoai mì tươi, 1.500 tấn hạt điều và 2.200 tấn thuốc lá. Đối với ngành chăn nuôi, tiếp tục phát triển và chuyển giao các kỹ thuật về cải tạo đàn cừu, bò để phát triển tổng đàn gia súc có sừng đạt 328.000 con.
Theo ghi nhận của chúng tôi, nhằm thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ trên, Sở NN-PTNT đã đề ra các giải pháp chính, trong đó tập trung các giải pháp khuyến nông đồng bộ từ hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm gắn chặt với phát triển kinh tế hợp tác, đảm bảo nâng cao thu nhập cho người nông dân; đồng thời đẩy mạnh xã hội hoá dịch vụ nông nghiệp ở nông thôn, chuyển giao hiệu quả việc ứng dụng khoa học công nghệ, tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Có thể nói định hướng phát triển nông nghiệp bền vững trong năm tới đang tạo tiền đề quan trọng cho phát triển kinh tế-xã hội vùng nông thôn, góp phần vào việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2020 ở tỉnh ta.
Bạch Thương