Tổ chức Nông Lương của Liên hợp quốc: 25% đất nông nghiệp toàn cầu bị thoái hóa nặng

Tổ chức Nông Lương của Liên hợp quốc (FAO) vừa hoàn tất bản một cuộc khảo sát với quy mô toàn cầu về tình trạng nguồn tài nguyên đất. Ngày 27-11, tổ chức này đã công bố một bản báo cáo, trong đó cho biết có khoảng một phần tư diện tích đất đai trên toàn thế giới đã bị thoái hóa nặng nề.

FAO cảnh báo rằng để có thể nuôi sống được toàn bộ số dân đang ngày một tăng lên trên toàn thế giới thì chúng ta phải tìm cách để đảo ngược xu hướng này.

FAO đã ước tính rằng đến năm 2050, ngành nông nghiệp sẽ phải tăng sản lượng lương thực lên thêm khoảng 70% để đáp ứng nhu cầu của số dân cư trên toàn thế giới, ước tính sẽ đạt khoảng 9 tỷ người. Con số này tương đương với khoảng 1 tỷ tấn lúa mì, gạo và các loại ngũ cốc khác cùng khoảng 200 triệu tấn thịt bò và các loại thịt khác.

Tuy nhiên, cho đến nay, hầu hết diện tích đất nông nghiệp đều đã được sử dụng với những phương thức canh tác kiểu thói quen dẫn tới việc xói mòn đất đai và lãng phí nguồn tài nguyên nước, và khiến cho sản lượng lương thực trên những diện tích đất này bị giảm dần.

Điều đó có nghĩa là để đáp ứng nhu cầu về lương thực của thế giới trong tương lai, việc áp dụng rộng rãi các biện pháp “thâm canh bền vững” trong sản xuất nông nghiệp trên diện tích đất canh tác hiện nay là rất cần thiết, như đánh giá của FAO trong bản báo cáo “Tình trạng Nguồn tài nguyên Đất và Nước dành cho Lương thực và Nông nghiệp trên toàn thế giới”.

Tổng giám đốc FAO, ông Jacques Diouf nói rằng do diện tích đất bị chiếm dụng để sản xuất nhiên liệu sinh học ngày càng nhiều, cùng với sự thay đổi khí hậu và các thói quen canh tác lạc hậu, khiến cho các hệ thống sản xuất lương thực quan trọng có nguy cơ không thể đáp ứng được nhu cầu lương thực của con người trên toàn cầu vào năm 2050. Ông nói: “Những hậu quả về đói nghèo là không thể chấp nhận được. Giờ đây chúng ta phải thực hiện những biện pháp để khắc phục tình trạng ”.

Bản báo cáo được công bố vào ngày 27-11, đúng vào ngày khai mạc một hội nghị về biến đổi khí hậu do Liên hợp quốc tổ chức tại Durban, Nam Phi với mục tiêu phá vỡ những bế tắc về việc tìm cách cắt giảm lượng khí nhà kính bị thải ra trên toàn cầu.

Bản báo cáo cho biết sự biến đổi về khí hậu cùng với các kỹ năng canh tác lạc hậu đã góp phần làm giảm sản lượng của diện tích đất canh tác trên toàn thế giới sau những năm được hưởng lợi từ cuộc Cách mạng Xanh, khi năng suất cây trồng tăng vọt nhờ các công nghệ mới, thuốc trừ sâu và sự ra đời của các giống cây trồng năng suất cao.

Nhờ vào cuộc Cách mạng Xanh, trong khoảng từ năm 1961 đến năm 2009, dù diện tích đất trồng trọt trên toàn thế giới chỉ tăng 12%, nhưng sản lượng lương thực trong giai đoạn này tăng tới 150%.

Nhưng cuộc khảo sát của Liên hợp quốc cũng phát hiện ra rằng tốc độ tăng trưởng đang giảm dần trong nhiều lĩnh vực và hiện chỉ bằng một nửa so với mức đỉnh điểm của cuộc Cách mạng Xanh.

Thí dụ như ở khu vực Đông Á, trong giai đoạn từ 1961 đến 2006, năng suất nông nghiệp hằng năm tăng với tỷ lệ 2,5%, nhưng ước tính trong giai đoạn từ 2006 đến 2050 chỉ còn tốc độ tăng trưởng đạt khoảng 0,3%/năm. Tuy nhiên, sản lượng nông nghiệp tại các khu vực như Trung Mỹ hay Đông Âu đang gia tăng.

Bản báo cáo đã vẽ nên một bức tranh về một thế giới đang trải qua một sự mất cân bằng ngày càng lớn giữa khả năng đáp ứng và nhu cầu về các nguồn tài nguyên đất và nước ở mức độ quốc gia và các địa phương. Số các khu vực đã đạt tới giới hạn về năng suất nông nghiệp đang ngày càng gia tăng.

Theo báo cáo của FAO, có khoảng 25% diện tích đất đai trên toàn thế giới hiện đang bị “thoái hóa nặng nề” với đất đai bị xói mòn, nguồn nước bị thoái hóa và hệ sinh thái bị biến mất. Có khoảng 8% diện tích đất khác bị thoái hóa ở mức trung bình, 36% diện tích được đánh giá là ổn định hoặc thoái hóa nhẹ, và chỉ có 10% được xếp hạng là “đang được cải thiện”. Ngoài ra, những phần còn lại trên bề mặt Trái đất hoặc là đồi trọc hoặc là những vùng bị ngập nước.

Có thể kể ra một sốvùng đất gặp nhiều nguy cơ: đó là Tây Âu, nơi mật độ sản xuất nông nghiệp tập trung cao độ khiến đất đai và tầng ngậm nước bị ô nhiễm dẫn tới việc hệ sinh thái bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Trên những cao nguyên của các dãy núi Himalaya, Andes, cao nguyên Ethiopia và miền nam châu Phi, sự xói mòn đất đi đôi với các cơn lũ lụt xuất hiện ngày một thường xuyên hơn. Tại các quốc gia sử dụng gạo làm nguồn lương thực chủ đạo tại khu vực Đông và Đông Nam Á, các giá trị văn hóa bị mất mát đi cũng khiến đất đai bị bỏ hoang hóa.

Bản báo cáo cũng cho biết nguồn nước trên khắp thế giới đang ngày càng trở nên khan hiếm và bị nhiễm mặn, trong khi nguồn nước ngầm thì ngày càng bị ô nhiễm do chất thải nông nghiệp và các loại chất độc hại khác.

Để có thể đáp ứng được nhu cầu về nước của toàn thế giới vào năm 2050, FAO cho rằng cần phải có các hệ thống thủy lợi hiệu quả hơn bởi hầu hết các hệ thống thủy lợi hiện có đều hoạt động dưới công suất của chúng.

Cơ quan này cũng kêu gọi cần phải có những phương thức canh tác mới như kết hợp các hệ thống tưới tiêu và nuôi cá để đáp ứng các nhu cầu, cũng như tăng tổng mức đầu tư vào việc phát triển nông nghiệp.

Ước tính số tiền cần thiết để việc đầu tư cho nông nghiệp tới năm 2050: khoảng 1 nghìn tỷ USD cho việc quản lý các hệ thống tưới tiêu tại các nước đang phát triển, và khoảng 160 tỷ USD dành cho việc bảo tồn đất đai và kiểm soát lũ lụt.

Nguồn Báo Nhân Dân



  

 
Hội nghị gặp mặt doanh nghiệp quý I/2025