(NTO) Trước thực tế trên, vừa qua nhóm kỹ sư của Đài Khí tượng Thủy văn Khu vực Nam Trung Bộ và Ban Chỉ huy phòng, chống lụt bão tỉnh đã tổng hợp, phân tích và biên soạn cuốn tài liệu “Điều tra khảo sát, xây dựng bản đồ phân vùng nguy cơ xảy ra lũ quét ở tỉnh Ninh Thuận và các giải pháp phòng chống”. Đây là đề nghiên cứu khoa học đã được Hội đồng Khoa học tỉnh nghiệm thu vào tháng 1-2011.
Sở KH-CN tổ chức tập huấn cộng đồng triển khai ứng dụng đề tài
cho các địa phương và người dân.
Để triển khai ứng dụng đề tài cho tất cả các địa phương và người dân trong tỉnh, Sở Khoa học và Công nghệ (KH-CN) phối hợp với Trung tâm Khí tượng Thủy văn tổ chức tập huấn cộng đồng cho gần 100 đối tượng là cán bộ lãnh đạo các xã, phường, thị trấn; Ban Chỉ huy phòng, chống lụt bão các huyện, thành phố và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường... Qua đó đã cung cấp những hiểu biết cơ bản về các yếu tố khí tượng, thủy văn, giúp người dân, các tổ chức nâng cao ý thức trong việc phòng, chống giảm nhẹ thiên tai.
Đồng chí Lê Kim Hùng, Giám đốc Sở KH-CN cho biết: “Tuy chưa có những tiêu chuẩn cụ thể để phân vùng thiên tai cho một khu vực nhỏ, song dựa vào những quy luật cơ bản, nguyên nhân phát sinh của thiên tai, đặc điểm khí hậu thủy văn của khu vực, nhóm kỹ sư tham gia nghiên cứu đề tài đã phân vùng thiên tai của tỉnh ta ra thành 3 vùng, gồm: Vùng I, là vùng ven biển và vùng biển thuộc phạm vi của tỉnh. Đây là vùng có tiềm năng kinh tế lớn như đánh bắt hải sản, nuôi trồng thủy sản, sản xuất muối và phát triển nông nghiệp. Thiên tai chủ yếu là bão và áp thấp nhiệt đới, biển lở. Vùng II, là vùng núi các huyện Ninh Sơn, Bác Ái, Thuận Bắc. Thiên tai chủ yếu của vùng này là mưa lớn, lũ, lũ quét và dông, sét. Vùng III, là vùng đồng bằng huyện Thuận Bắc, Ninh Hải, Ninh Phước và Tp.Phan Rang-Tháp Chàm. Thiên tai chủ yếu của vùng này là bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn, lũ, ngập lụt diện rộng, dong, sét và hạn hán.”.
Căn cứ vào việc phân vùng thiên tai đã giúp Ban Chỉ huy phòng, chống lụt bão ở các địa phương có kế hoạch xây dựng phương án, nhiệm vụ trọng tâm để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức cộng đồng về phòng tránh hiểm họa của thiên tai có hiệu quả nhất. Ông Nguyễn Lững, xã Phước Diêm, (Thuận Nam) cho biết: “Lâu nay ngư dân chúng tôi đi biển chủ yếu dựa vào kinh nghiệm là chính, nhưng từ khi Sở KH-CN và Trung tâm Khí tượng thủy văn tỉnh triển khai đề tài này đến với bà con, chúng tôi thấy rất hiệu quả". Ngoài việc giúp các ngư dân đi biển nhận biết cấu trúc của bão, hoàn lưu của bão, cách theo dõi bão trên biển Đông, mức độ nguy hiểm từng vùng của cơn bão, cách điều khiển tàu thuyền trong bão..., mọi người còn có thêm những kiến thức cơ bản về lượng mưa, nắng, gió; mạng lưới trạm khí tượng thủy văn, đo mưa trên địa bàn tỉnh, nhất là 6 loại tin báo theo quy chế báo áp thấp nhiệt đới, bão, lũ mà Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành vào tháng 3-2011.
Hy vọng rằng, với sự hỗ trợ của Sở KH-CN và Trung tâm Khí tượng Thủy văn tỉnh, đề tài nghiên cứu khoa học “Điều tra khảo sát, xây dựng bản đồ phân vùng nguy cơ xảy ra lũ quét ở tỉnh Ninh Thuận và các giải pháp phòng chống” sẽ được các cấp chính quyền và nhân dân trong tỉnh đón nhận và tuyên truyền rộng rãi, góp phần tích cực trong công tác phòng, chống thiên tai trong thời gian tới.
Văn Thanh