PHƯỚC DÂN:

Gắn công tác xây dựng Đảng với lãnh đạo phát triển kinh tế

Ngay từ đầu nhiệm kỳ 2011-2015, cùng với việc củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng vững mạnh, Đảng bộ thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước đã tập trung lãnh đạo nhân dân phát huy có hiệu quả các thế mạnh của địa phương để phát triển kinh tế, gắn với giải quyết việc làm, nhờ đó đời sống nhân dân không ngừng được nâng lên.

(NTO) Để đạt được kết quả trên, Đảng bộ thị trấn Phước Dân luôn đổi mới nội dung và phương thức lãnh đạo. Đặc biệt, trong quá trình chỉ đạo phát triển kinh tế – xã hội, Đảng ủy thị trấn đã vận dụng đúng các quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước vào những lĩnh vực mũi nhọn, nhiệm vụ trọng tâm, các chương trình, dự án trọng điểm ở địa phương nên phát huy rất hiệu quả.

Một góc trung tâm thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước.

Đồng chí Lưu Thái, Bí thư Đảng ủy thị trấn cho biết: Từ điều kiện thực tế của địa phương, Đảng ủy thị trấn đã tập trung lãnh đạo nhân dân phát triển kinh tế bằng việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mạnh dạn đưa tiến bộ khoa học vào sản xuất nên đã nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập cho người dân.”. Nông dân trong thị trấn đã áp dụng có hiệu quả mô hình “3 giảm, 3 tăng” trên cây lúa; thực hiện liên kết “4 nhà” trong sản xuất giống cây trồng và tiêu thụ nông sản, nhờ đó năng suất và chất lượng lúa hàng năm của địa phương luôn đạt khá với mức bình quân từ 65 đến 70 tạ/ha, góp phần đưa tổng sản lượng lương thực có hạt trong hai vụ đông- xuân và hè- thu đạt 9.895 tấn, tăng 23% so với cùng kỳ. Cùng với việc chú trọng thâm canh cây lúa, hàng năm cấp ủy, chính quyền địa phương còn chỉ đạo nhân dân phát triển thêm các loại cây trồng, như: nho, bắp, rau đậu các loại, nhờ đó đã nâng cao mức thu nhập, cải thiện đời sống từng hộ gia đình. Riêng trong vụ mùa năm 2011, toàn thị trấn đã gieo trồng được trên 1.000 ha cây trồng các loại; trong đó cây lúa 704 ha, rau đậu các loại 210 ha, bắp 5 ha và các loại nho, ổi, táo... khoảng 100 ha. Với thời tiết thuận lợi như hiện nay, dự kiến trong kỳ thu hoạch tới năng suất và sản lượng các loại cây trồng sẽ đạt cao hơn so với kế hoạch đề ra.

Không chỉ lĩnh vực sản xuất nông nghiệp có hướng phát triển tốt, thực tế cho thấy các ngành nghề, dịch vụ - thương mại trên địa bàn thị trấn Phước Dân vài năm gần đây cũng phát triển khá nhanh, giải quyết được công ăn việc làm cho hàng trăm lao động nhàn rỗi ở địa phương. Tính đến nay, toàn thị trấn có khoảng 500 doanh nghiệp và hộ kinh doanh thương mại, dịch vụ... với doanh thu 10 tháng năm 2011 đạt 69 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ. Đặc biệt, nhờ có chính sách ưu đãi về vốn, mặt bằng sản xuất cũng như việc cải cách các thủ tục hành chính của thị trấn, của huyện nên một số cửa hàng buôn bán và các làng nghề truyền thống như: Dệt thổ cẩm Chăm Mỹ Nghiệp, gốm Bàu Trúc… ngày càng mở rộng về quy mô và số lượng. Đơn cử như làng nghề truyền thống dệt thổ cẩm Chăm Mỹ Nghiệp, trước thời điểm năm 2002, toàn thôn chỉ có 3 cơ sở tham gia làm nghề dệt và chủ yếu mang tính tự phát theo hộ cá thể thì từ năm 2007 trở lại đây được sự đầu tư của Nhà nước như xây dựng nhà trưng bày, xây đường, cổng vào làng nghề, hỗ trợ thành lập hợp tác xã thì số hộ gia đình tham gia làm nghề dệt đã tăng lên rất nhiều, với trên 30 hộ. Trung bình một năm, mỗi cơ sở dệt được từ 4.000- 6.000m sản phẩm. Từ các loại vải dệt này bà con đã tạo ra nhiều sản phẩm tiêu dùng như: Tấm drap, túi xách, ví, khăn, áo... Ngoài việc nỗ lực, năng động đa dạng hoá sản phẩm, các hộ kinh doanh trong hợp tác xã còn liên kết lại với nhau để xây dựng thương hiệu cho làng nghề, tìm kiếm mở rộng thị trường tiêu thụ, nên đến nay thổ cẩm Mỹ Nghiệp không chỉ vươn đến các tỉnh, thành trong nước như: Lâm Đồng, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Buôn Ma Thuột, Hà Nội, mà còn ra đến nước ngoài như Trung Quốc, Pháp… Nhờ đó, giải quyết công ăn việc làm thường xuyên cho hàng trăm lao động địa phương, với thu nhập bình quân từ 800 ngàn đồng đến 1,2 triệu đồng/người/tháng, góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo của địa phương đến nay giảm xuống còn 744 hộ, chiếm 12,6%.

Điều đáng ghi nhận ở thị trấn Phước Dân hôm nay đó là mọi vấn đề liên quan đến lợi ích của người dân đều được đưa ra bàn bạc công khai, nên càng thúc đẩy và hoàn thiện các mối quan hệ với nhân dân. Nhờ đó, việc triển khai học tập, quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các cuộc vận động như: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”, xây dựng các nguồn quỹ luôn được nhân dân hưởng ứng rất nhiệt tình. Công tác chăm lo sự nghiệp giáo dục, nâng cao dân trí ngày một phát triển. Ý thức của người dân trong việc chăm sóc sức khỏe, dân số-KHHGĐ ngày được nâng cao. Quốc phòng, an ninh luôn được giữ vững.

Với mục tiêu đưa kinh tế - xã hội địa phương ngày phát triển bền vững, trong thời gian tới, cấp ủy, chính quyền thị trấn Phước Dân tiếp tục lãnh đạo nhân dân phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết các dân tộc, khai thác có hiệu quả tiềm năng lợi thế của địa phương để chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển mạnh thương mại – dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề và nông nghiệp, gắn với giải quyết việc làm cho người lao động; phấn đấu đến năm 2015 đưa tổng giá trị sản xuất các ngành tăng khoảng 1,85 lần; thu nhập bình quân đầu người đạt 14 khoảng triệu đồng/người/năm, góp phần đưa thị trấn Phước Dân trở thành điểm nhấn trong phát triển kinh tế - xã hội của huyện Ninh Phước.