Trong 25 đổi mới, Việt Nam đã đạt được kết quả tích cực trên nhiều mặt. Số lượng, sản lượng nhiều loại cây, con năm 2010 gấp nhiều lần năm 1986. Năm 2011 còn đạt cao hơn năm 2010. Nhiều loại đã đáp ứng đủ nhu cầu, được dự trữ trong dân và dự trữ của Nhà nước, mà còn xuất khẩu với khối lượng lớn, đứng thứ hạng cao trên thế giới.
Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Riêng về gạo 10 tháng 2011 đã xuất khẩu gần 6,4 triệu tấn, với kim ngạch đạt trên 3,2 tỷ USD, đều là kỷ lục từ trước tới nay, đưa mức từ 1989 đến tháng 10.2011 đạt gần 83,3 triệu tấn, với gần 25,5 tỷ USD.
An ninh lương thực đã góp phần xóa đỏi, giảm nghèo, góp phần đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng kinh tế- xã hội, chuyển sang giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa, ổn định ở trong nước ứng phó với bất ổn ở bên ngoài, chuyển vị thế từ nhóm thu nhập thấp sang nhóm thu nhập trung bình.
Tuy nhiên, chưa thể chủ quan, thỏa mãn với kết quả đã đạt được về lương thực. Cảnh báo này xuất phát từ nhiều điểm. (1) Nhập khẩu một số loại lương thực, thực phẩm và sản phẩm có liên quan với khối lượng không nhỏ (10 tháng lúa mỳ hơn 2 triệu tấn, ngô 712 nghìn tấn, thức ăn gia súc 1,83 tỷ USD, rau quả 226 triệu USD, thủy sản 417 triệu USD, sữa và sản phẩm sữa 657 triệu USD, dầu mỡ động thực vật 789 triệu USD,…). (2) Một số thời điểm, một số địa phương, một số bộ phận vẫn chưa đủ lương thực, thậm chí có thời điểm còn xảy ra cơn sốt giá gạo lạ lùng, hay đợt tăng giá thực phẩm mấy tháng trước đây...
Những yếu tố trên cảnh báo nước ta cần đặc biệt quan tâm đến vấn đề an ninh lương thực ngay từ bây giờ bằng các biện pháp quyết liệt và đồng bộ, từ Trung ương đến địa phương và người dân. Giảm thiểu việc chuyển đất trồng cây lương thực, nhất là đất trồng lúa sang làm việc khác. Hàng năm cần điều tra để lập cân đối giữa sản xuất, tiêu dùng, xuất khẩu và dự trữ lương thực.
Trước mắt, cần rất thận trọng khi xuất khẩu gạo bởi nhu cầu thế giới đang rất lớn, bởi giá gạo vẫn đang có xu hướng tăng rất cao, nếu bán sớm có thể bị hớ, nếu diễn biến thời tiết, sâu bệnh phức tạp khó lường thì trở tay không kịp, vì đã nhiều năm được mùa giá cả rẻ, nông dân đã bỏ thói quen “tích cốc phòng cơ”.
Nhà nước cần hỗ trợ nông dân vốn để tránh phải “bán lúa non”, nếu nông dân lặp lại tình trạng “bán lúa non” thì suốt đời sẽ không ngẩng đầu lên được bởi gánh nặng nợ nần do cảnh này đè lên.
Nguồn Dân Việt