Festival lúa gạo Việt Nam - Háo hức chờ khai mạc

Theo kế hoạch từ ngày 8 đến 11-11, Festival lúa gạo Việt Nam lần 2 sẽ diễn ra tại Sóc Trăng. Ông Nguyễn Trung Hiếu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết, mọi công tác chuẩn bị đã sẵn sàng, ngành chức năng và đông đảo người dân đang nóng lòng chờ khai mạc ngày hội lúa gạo lớn nhất từ trước đến nay.

Những ngày này, du khách đến TP Sóc Trăng đã thấy không khí chuẩn bị cho festival thật nhộn nhịp, đường phố rợp cờ hoa với nhiều băng rôn quảng bá về ngày hội lớn. Từ ngã ba Trà Men vào đến Trung tâm Văn hóa triển lãm Hồ Nước Ngọt là “Con đường lúa gạo” dài 1.200m được bố trí khoảng 47.000 chậu lúa trưng bày trên các dải phân cách đường Hùng Vương trông rất ấn tượng. Khu triển lãm với 1.000 gian hàng cũng đang gấp rút hoàn tất; sân khấu nổi, chợ nổi trên Hồ Nước Ngọt… đều cơ bản xong.

“Con đường lúa gạo” trên đường Hùng Vương, TP Sóc Trăng. Ảnh: HUỲNH LỢI

Ông Huỳnh Anh Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa triển lãm Hồ Nước Ngọt, cho biết: “Nơi đây sẽ diễn ra hầu hết các sự kiện quan trọng của festival như lễ khai mạc, bế mạc, triển lãm, các hội thi, nhiều hoạt động khác… Cơ sở vật chất được thi công từ 3 tháng nay, nhiều anh em phải làm việc xuyên suốt ngày đêm để kịp phục vụ festival”.

Ông Nguyễn Văn Trung, người dân phường 2, thành phố Sóc Trăng, hồ hởi: “Tôi nghe thông tin từ đài, báo biết Sóc Trăng vinh dự được giao đăng cai tổ chức Festival lúa gạo tôn vinh những người nông dân một nắng hai sương. Nhiều người dân Sóc Trăng rất phấn khởi và nóng lòng chờ đợi ngày khai mạc lễ hội”.

Theo ông Nguyễn Trung Hiếu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, Festival lúa gạo Việt Nam với chủ đề “Vinh danh hạt ngọc Việt - Môi trường xanh cho cánh đồng vàng” là sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội du lịch nhằm quảng bá thương hiệu lúa gạo Sóc Trăng nói riêng và Việt Nam nói chung. Festival nhằm tôn vinh những nhà khoa học, nhà quản lý, nông dân, doanh nghiệp… có nhiều đóng góp cho sự phát triển lúa gạo trong nước và xuất khẩu.

Trong khuôn khổ festival lần này sẽ diễn ra nhiều chương trình đa dạng, hấp dẫn như bắn pháo hoa, hội thi nông dân trồng lúa giỏi, triển lãm con đường lúa gạo, triển lãm nông cụ từ thời khẩn hoang đến hiện đại, triển lãm bản đồ Việt Nam bằng lúa gạo lớn nhất, lễ hội ẩm thực, lễ hội đâm cốm dẹp, tư vấn sản xuất nông nghiệp, hội thi gạo ngon thương hiệu Việt, thi người đẹp miệt vườn, hoạt động xúc tiến thương mại, đối thoại gặp gỡ song phương - đa phương, nhiều chương trình biểu diễn nghệ thuật đặc sắc, trao chứng nhận nhãn hiệu “Gạo thơm ST”…

Festival còn có những hội thảo quan trọng như: Hội thảo “Định vị thương hiệu gạo Việt Nam - Gạo Việt Nam: Ai bán, ai mua?”; “Việt Nam - Con đường phát triển lúa gạo chất lượng cao”; “Bãi Xàu – Sóc Trăng: Từ cảng quốc tế đầu tiên đến tương lai phát triển”… Ban tổ chức festival kỳ vọng, những hội thảo trên sẽ giúp các nhà khoa học, nhà quản lý, nông dân và doanh nghiệp xích lại gần nhau hơn để tìm ra những giải pháp tối ưu giúp lúa gạo Việt Nam khẳng định giá trị đích thực trên thương trường quốc tế. Song song đó, xây dựng thương hiệu vững chắc để chiếm thị phần.

Festival lúa gạo Việt Nam lần 2 diễn ra đúng vào dịp lễ hội Ooc Om Boc – đua ghe Ngo của đồng bào Khmer. Do vậy, Sóc Trăng đã lồng ghép lễ hội đua ghe Ngo và lễ hội đâm cốm dẹp thành một chương trình của festival, tạo nét mới, hấp dẫn cho bạn bè trong nước và quốc tế khi đến dự festival. Ông Nguyễn Trung Hiếu khẳng định: Sóc Trăng sẽ làm hết sức mình từ việc tổ chức lễ hội, hoạt động văn hóa văn nghệ, ăn nghỉ, đi lại, giao thương… đảm bảo festival thành công, góp phần đưa hạt gạo Việt đi xa hơn trên thương trường quốc tế.

Nguồn Báo SGGP Online