Ngày 2/11, tại Cannes, Pháp, Tổng thống nước này Nicolas Sarkozy và Thủ tướng Đức Angela Merkel có cuộc gặp thượng đỉnh hẹp bàn về tình hình Hy Lạp với sự tham gia của Chủ tịch thường trực Liên minh châu Âu (EU) Herman van Rompuy, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jose Manuel Barroso, người đứng đầu Nhóm các Bộ trưởng Tài chính Khu vực đồng Euro Jean-Claude Juncker, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Christine Lagarde và Thủ tướng Hy Lạp George Papandreou.
Cuộc gặp diễn ra ngay trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G-20) bàn về những vấn đề mang tính toàn cầu, trong đó có vấn đề nợ công ở Khu vực đồng Euro (Eurozone) và trong bối cảnh tuyên bố mới đây của Thủ tướng Hy Lạp về tổ chức trưng cầu ý dân về thỏa thuận cứu trợ mới dành cho Athens, có nguy cơ đẩy thế giới vào tình trạng bất ổn mới.
Tại cuộc gặp, lãnh đạo EU và IMF ra tối hậu thư yêu cầu Hy Lạp làm sáng tỏ những quan ngại nảy sinh sau tuyên bố gây sốc của ông George Papandreou và lần đầu tiên đã công khai thảo luận khả năng một nước thành viên phải ra khỏi Eurozone, điều không được coi là một lựa chọn đối với EU trong nhiều tháng nay. Các nhà lãnh đạo Pháp và Đức khẳng định muốn Hy Lạp tiếp tục ngồi trên "con thuyền" đồng tiền chung châu Âu, nhưng cảnh báo Hy Lạp không được phép "tự mình chèo thuyền theo một hướng".
Các nhà lãnh đạo EU cũng cảnh báo nếu Hy Lạp không chấp nhận thỏa thuận cứu trợ đã được nhất trí trong tuần trước thì Athens sẽ "không được nhận thêm một xu nào" từ EU và IMF.
Theo Tổng thống Pháp, N. Sarkozy quyết định của Athens tổ chức trưng cầu ý dân về thỏa thuận cứu trợ mới phải được gắn liền với việc Hy Lạp sẽ tiếp tục ở lại hay ra khỏi Eurozone, vì người châu Âu không thể tiếp tục chịu đựng thời kỳ bất ổn kéo dài như hiện nay. Ông nhấn mạnh lãnh đạo EU không muốn đồng Euro bị phá hủy, người dân Hy Lạp có quyền đưa ra quyết định của mình, song "có những nguyên tắc phải được tôn trọng" và "EU phải chịu trách nhiệm về sự ổn định của Khu vực đồng Euro".
Ông cho biết EU và IMF không thể giải ngân khoản cứu trợ thứ sáu trị giá 8 tỷ Euro trong gói cứu trợ thứ nhất dành cho Athens cho đến khi Hy Lạp tán thành thỏa thuận cứu trợ mới. Các nhà quan sát cảnh báo nếu không nhận được số tiền này trong vài tuần tới, Hy Lạp sẽ rơi vào tình trạng vỡ nợ, thậm chí không có tiền trả lương cho viên chức.
Tổng Giám đốc IMF cũng khẳng định IMF chỉ quyết định có giải ngân khoản cứu trợ thứ sáu dành cho Hy Lạp hay không sau khi Atthens hoàn tất cuộc trưng cầu ý dân sắp tới, trong khi ông Juncker tuyên bố Eurozone không cho phép bất kỳ người nào tự tách mình ra khỏi thỏa thuận cứu trợ dành cho Hy Lạp đạt được trong tuần trước.
Trước tình hình trên, lãnh đạo nhiều nước G-20 kêu gọi các nước thành viên EU xúc tiến kế hoạch cứu trợ Hy Lạp bất chấp kế hoạch trưng cầu ý dân của Athens. Mỹ tuyên bố muốn Hội nghị G-20 lần này đạt đồng thuận về mục đích, trong khi Trung Quốc tuyên bố muốn giữ ổn định cho Khu vực đồng Euro và đồng tiền chung châu Âu, nhưng không xác nhận có tham gia quỹ cứu trợ của EU hay không.
Nguồn www.chinhphu.vn