Dân số tăng - thách thức lớn đối với cuộc chiến chống đói nghèo

Theo báo cáo mới nhất của Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA), vào ngày 31/10/2011, dân số thế giới sẽ vượt qua ngưỡng 7 tỷ người để lên tới con số 10 tỷ vào năm 2100.

Vào thời kỳ đầu những năm 1800, chúng ta mới chỉ có 1 tỷ người sinh sống trên trái đất. Tuy nhiên, kể từ năm 1987, cứ 12 năm thì dân số thế giới đã tăng thêm tới 1 tỷ người và sẽ lên tới con số 7 tỷ người vào ngày 31/10 tới đây. Theo bản báo cáo với nhan đề “Tình trạng dân số thế giới năm 2011”, tăng trưởng dân số đã bùng nổ. Hiện tại, tỷ lệ tăng dân số bình quân mỗi năm là 80 triệu người, tức tương đương với dân số của Đức. Phần dân cư dưới 25 tuổi chiếm 43% dân số thế giới.

Trái đất sẽ có khoảng 10 tỷ người vào năm 2100

Theo nghiên cứu của GS. Jeffrey Sachs, Giám đốc Học viện Trái đất thuộc Đại học Columbia (Mỹ) thì chỉ mất có 12 năm, dân số thế giới đã tăng từ 6 tỷ lên 7 tỷ người. Và theo ước tính, khoảng 14 năm tới, con số này sẽ là 8 tỷ.

Khi dân số tăng cao, nhu cầu về lương thực, nước sạch và đất ở cũng tăng theo, nhưng theo ông Sachs, đó chưa phải là vấn đề lớn nhất. Ông chỉ ra rằng, số con bình quân trong mỗi gia đình ở các nước nghèo và nước đang phát triển sẽ tiếp tục cao, có thể là từ 6 - 8 con, trong khi con số đó ở các nước giàu chỉ là 2. GS. Jeffrey Sachs cho rằng, điều này sẽ gây sức ép lớn đối với sứ mệnh chống nghèo đói.

Ngoài ra, sự bùng nổ dân số ở các nước nghèo còn có nguy cơ dẫn tới xung đột. Các chuyên gia khuyên những nước này cần vận dụng những giá trị văn hóa và kiện toàn hệ thống chăm sóc sức khỏe, nhằm tạo nên rào cản đối với đà bùng nổ dân số.

Tuy nhiên, Liên hợp quốc cho biết, xu hướng gia tăng dân số này cũng sẽ hạ nhiệt và dân số thế giới sẽ ổn định xung quanh mức 10 tỷ người vào năm 2100. Nguyên nhân được lý giải là do tỷ lệ sinh đã giảm xuống, nhờ vào các tiến bộ trong việc tuyên truyền, giáo dục những năm vừa qua. Nếu các nỗ lực này không được thực hiện và duy trì, thế giới sẽ có tới 15 tỷ người vào năm 2100. Song song với điều đó, tỷ lệ tử vong ở trẻ em và tuổi thọ không ngừng tăng lên lại góp phần vào sự tăng trưởng dân số. Tỷ lệ sinh bình quân cho mỗi phụ nữ đã giảm từ 6 xuống còn 2,5 trẻ. Ở các nước phát triển, tỷ lệ này là 1,7, còn ở các nước kém phát triển nhất là 4,2, ở vùng châu Phi - nam Sahara là 4,8. Tuổi thọ trung bình của người dân trên thế giới tăng từ khoảng 48 tuổi vào đầu những năm 1950 lên 68 tuổi vào thập kỷ đầu tiên của thế kỷ mới này.

Theo Giám đốc hành pháp Quỹ Dân số Liên hợp quốc, ông Babatunde Osotimehin, “kỷ lục về dân số này có thể được xem như một thành công đối với nhân loại. Con người đã sống được lâu hơn và khỏe mạnh hơn".

Nhân dịp này, ông cũng nhấn mạnh tới nhiều thách thức mà các chính phủ và cộng đồng quốc tế phải đối mặt liên quan tới lĩnh vực này. Cuộc chiến chống đói nghèo, bảo vệ môi trường, tiếp cận với nguồn nước, chăm sóc y tế và quản lý các nguồn lực tự nhiên sẽ có thể trở nên khó khăn hơn do áp lực gia tăng dân số. Thế giới sẽ phải đối mặt với tình trạng thâm hụt 40% giữa nhu cầu và nguồn lực tự nhiên trong giai đoạn từ nay tới năm 2030. Những thách thức này đặc biệt có liên quan tới các nước mới nổi trong việc đáp ứng nhu cầu ngày càng gia tăng về lương thực, năng lượng, nhà ở và việc làm.

Mất cân bằng giới tính - nỗi lo phổ biến của châu Á

Một điểm đáng lo ngại, theo Liên hợp quốc, là tình trạng mất cân đối giữa nam và nữ. Tỷ lệ hiện tại – 106 nam/100 nữ. Tỷ lệ này là hoàn toàn bất lợi đối với nữ giới, trong đó đặc biệt phổ biến tại các nước châu Á, nơi người dân thường lựa chọn sinh con trai vì các lý do xã hội và văn hóa.

Hai nước mất cân đối nhất là Ấn Độ và Trung Quốc do tại các quốc gia này, hiện tượng phá thai chọn giới tính khá phổ biến. Ở Ấn Độ và Việt Nam, tỷ lệ nam - nữ là 112/100, tại Trung Quốc là 120/100, thậm chí có địa phương ở nước này có mức chênh lệch là 130/100.

Mất cân bằng dân số giữa thành thị - nông thôn

Điểm đáng chú ý khác là sự phát triển chưa từng có của dân cư các thành phố lớn. “Việc phân bố dân cư giữa khu vực thành thị và nông thôn đã chênh lệch rất lớn”, báo cáo của UNFPA lưu ý. Đứng đầu các thành phố có khu vực đô thị lớn nhất thế giới là Tokyo với 36,7 triệu dân, chiếm “hơn ¼ dân số Nhật Bản”, Liên hợp Quốc cho biết.

Dân số châu Á hiện ở mức 4,2 tỷ người và sẽ lên tới 5,2 tỷ vào năm 2050, sau đó sẽ giảm dần. Trung Quốc hiện là nước đông dân nhất hành tinh với 1,35 tỷ người, tiếp theo sau là Ấn Độ với 1,24 tỷ. Song theo ước tính, vào năm 2025, dân số Ấn Độ sẽ là 1,46 tỷ và Trung Quốc lúc đó chỉ có 1,39 tỷ người.

10 thành phố đông dân nhất thế giới: 1 - Tokyo: 36,7 triệu dân. 2 - New Delhi: 22 triệu dân. 3 - São Paulo: 20 triệu dân. 4 - Mumbai: 20 triệu dân. 5 - Mexico: 19,5 triệu dân. 6 - New York-Newark: 19,4 triệu dân. 7 - Shanghai: 16,6 triệu dân. 8 - Calcutta: 15,5 triệu dân. 9 - Dacca: 14,7 triệu dân. 10 - Karachi: 13 triệu dân.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam