Tháng 10: CPI trong tỉnh tăng nhưng không đáng ngại!

Trong tháng 10/2011, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả nước nói chung và nhiều địa phương nói riêng tiếp tục có chiều hướng giảm xuống thì ngược lại trên địa bàn tỉnh ta đã “đột biến” tăng cao và dừng ở mức 2,51%, cao hơn 2,31% so với tháng trước.

(NTO) Nguyên nhân chủ yếu là do chỉ số nhóm dịch vụ tăng đến 9,93% trong khi đó chỉ số nhóm hàng hóa giảm 0,14% (nhóm hàng lương thực-thực phẩm giảm 0,05%, nhóm hàng phi lương thực-thực phẩm giảm 0,23%). Điều cũng đáng nói là chỉ số giá tiêu dùng khu vực nông thôn tăng khá cao với 3,10% còn khu vực thành thị chỉ tăng 1,81%!. Như vậy, tính chung 10 tháng chỉ số giá tiêu dùng trong tỉnh tăng 17,73% so với tháng 12/ 2010 và tăng 24,13% so với cùng kỳ năm 2010.

CHỈ SỐ GIÁ TIÊU DÙNG, CHỈ SỐ GIÁ VÀNG VÀ ĐÔ LA MỸ
TOÀN TỈNH THÁNG 10/2011

Theo đánh giá của các nhà chuyên môn, nhìn chung CPI trong tháng 10 tiếp tục ổn định và giảm ở một số nhóm mặt hàng do nguồn cung dồi dào, tuy nhiên do mức độ tăng của nhóm giáo dục quá cao đã “đẩy” chỉ số giá tiêu dùng của tỉnh tăng vọt so với tháng trước. Cụ thể về chỉ số giá tiêu dùng của một số nhóm mặt hàng chính trong tháng như sau: chỉ số nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,01% so với tháng trước. Trong đó giá lương thực tăng 0,88% chủ yếu là giá gạo và một số mặt hàng chế biến từ gạo tăng do thiên tai làm thiệt hại nhiều diện tích lúa ở các tỉnh Miền Tây kèm theo nhu cầu xuất khẩu tăng nên một số thương nhân đã thu mua lúa từ các tỉnh ngoài chuyển vào đã làm cho giá gạo tại tỉnh tăng cao từ 500 đến 1.000đ/kg tùy loại; giá thực phẩm giảm 0,33% do nguồn cung nhiều đã làm giá thịt heo giảm 5,47%, giá thịt gia cầm giảm 1,26%, rau tươi các loại tăng 4,83%... Nhóm giáo dục tăng 43,79%: đây là nhóm có chỉ số tăng cao nhất trong 11 nhóm mặt hàng. Chủ yếu do tăng giá các mặt hàng dịch vụ giáo dục theo Quyết định số 46/2011/QĐ-UBND ngày 14/9/2011 ban hành về quy định miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí đối với các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận từ năm học 2011-2012 đến năm 2014-2015. Nhóm này chiếm tỷ trọng 5,67% nên đã làm cho chỉ số giá tiêu dùng chung tăng 2,48%. Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng giảm 0,35%, do giá gas được điều chỉnh giảm 10.000đ/bình 12 kg, dầu hỏa giảm 300đ/lít từ ngày 10/10/2011. Nhóm giao thông giảm 0,36% do giá dầu diezen giảm 400đ/lít vào ngày 10/10. Các loại hàng hóa khác giảm 0,56% chủ yếu do đồ trang sức bằng vàng giảm. Các nhóm hàng còn lại tương đối ổn định và tăng nhẹ.

So với tháng trước chỉ số giá vàng giảm 5,34%, chỉ số giá đô la Mỹ tăng 2,04%.

Nhờ hầu hết giá cả hàng hóa tiêu dùng giảm nên đã “kích cầu” mua sắm cho người dân trong tỉnh. Theo số liệu của Cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 10 đạt trên 697,9 tỷ đồng, tăng 22,6% so với cùng kỳ năm 2010. Trong số này thương nghiệp vẫn giữ “vai trò” chủ đạo và chiếm 80,32%, khu vực khách sạn-nhà hàng chiếm 12,14%, dịch vụ chiếm 7,51%.