Phát triển xuất khẩu theo hướng tăng trưởng cao và bền vững

Với lợi thế là một địa phương nằm ven biển, lại có thời gian nắng kéo dài trong năm, tỉnh ta có nhiều điều kiện để phát triển các sản phẩm hàng hóa phục vụ cho xuất khẩu. Tuy nhiên thời gian qua, kim gạnh xuất khẩu của tỉnh chỉ chiếm tỷ lệ rất khiêm tốn trong cơ cấu nền kinh tế, số doanh nghiệp (DN), cá nhân tham gia xuất khẩu không nhiều. Vậy để phát triển ngành xuất khẩu theo hướng tăng trưởng cao và bền vững đang là vấn đề đặt ra cho tỉnh ta trong thời gian tới.

(NTO) Năng lực xuất khẩu thấp

Theo báo cáo của ngành Công Thương, trong giai đoạn 2006-2010, tổng kim ngạch xuất khẩu của cả tỉnh đạt gần 233,9 triệu USD, trung bình mỗi năm đạt 46,7 triệu USD, tốc độ tăng bình quân là 12,02%/năm, còn thấp so với chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI đề ra còn thấp. Trong 5 năm qua, mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh ta là nông sản, chiếm đến 87,28% (chủ yếu là nhân hạt điều); hàng thủy sản chiếm 9,6%; còn lại là một số mặt hàng thủ công mỹ nghệ, may mặc, khoáng sản. Cả tỉnh chỉ có 12 DN tham gia xuất khẩu, trong đó có 3 DN xuất khẩu mặt hàng nông sản, 3 DN xuất khẩu hàng thủy sản, 2 DN xuất khẩu hàng may mặc, 2 DN xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ, 2 DN xuất khẩu khoáng sản. Số lượng DN tham gia xuất khẩu của tỉnh đã quá ít, song chỉ có một DN đóng vai trò chủ lực đó là Công ty Cổ phần Xuất khẩu Nông sản Ninh Thuận, chiếm 80% tỷ trọng trong cơ cấu xuất khẩu toàn tỉnh.

Trong 9 tháng năm 2011, Công ty TNHH Thủy sản Thông Thuận chế biến 1.800 tấn hải sản xuất khẩu,
tăng 20% so với cùng kỳ. Ảnh: Văn Miên

Nhìn lại lĩnh vực xuất khẩu trong thời gian qua, nhất là 5 năm trở lại đây cho thấy đóng góp cho nền kinh tế còn khá khiêm tốn so với tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Nguyên nhân, trước hết đó là các DN chưa thực sự quan tâm đến lĩnh vực này; DN tham gia xuất khẩu quy mô sản xuất còn nhỏ, chưa chủ động đầu tư công nghệ để tạo ra sản phẩm hàng hóa mới; chất lượng hàng hóa thấp, giá thành cao, vì vậy khó cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại trên thị trường. Sản phẩm xuất khẩu chủ yếu vẫn là nhân hạt điều nhưng tính bền vững của mặt hàng này không cao. Mỗi năm sản lượng xuất khẩu nhân hạt điều bình quân là 7000 tấn nhưng hầu hết nguyên liệu phải nhập từ nước ngoài hoặc thu mua từ ngoài tỉnh. Đến thời điểm này, tổng diện tích cây điều của tỉnh ta chỉ có 4.540 ha, với sản lượng 1.465 tấn, đáp ứng được một phần rất nhỏ so với sản lượng xuất khẩu hiện tại, đó là chưa kể chất lượng hạt điều thấp nên khó cạnh tranh trên thị trường.

Tỉnh ta có chiều dài bờ biển hơn 105 km, có nhiều vũng, vịnh rất thuận lợi cho việc đánh bắt và nuôi trồng thủy sản, tuy nhiên trong cơ cấu hàng xuất khẩu mặt hàng này chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ dưới 10%. Số DN tham gia xuất khẩu đã không nhiều, lại chủ yếu là DN vừa và nhỏ, tiềm lực tài chính hạn chế, khả năng hợp tác, liên kết giữa các DN yếu nên gặp khó khăn trong quá trình hội nhập với nền kinh tế thế giới.

Bên cạnh đó cũng có nguyên nhân khách quan, đó là thị trường xuất khẩu trong giai đoạn 2005-2010 có rất nhiều biến động do tác động hủng hoảng của kinh tế toàn cầu, vì vậy thị trường xuất khẩu hàng hóa của tỉnh ta bị thu hẹp. Năm 2006, hàng hóa của tỉnh xuất khẩu đến 25 quốc gia trên thế giới nhưng đến năm 2007 giảm còn 15 quốc gia và đến năm 2010 các DN xuất khẩu chủ yếu chỉ duy trì ở thị trường trọng điểm, truyền thống như: Mỹ, Nga, Trung Quốc, EU….

Phát triển theo hướng bền vững

Trong những năm qua tỉnh ta có nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia xuất khẩu. Về mặt hàng xuất khẩu đã phong phú hơn, từ năm 2009 đã có thêm mặt hàng khoáng sản tham gia xuất khẩu đó là cát san lấp và gần đây là đá granite. Nhiều DN mạnh dạn đầu tư vốn mở rộng cơ sở sản xuất, đổi mới công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa nên mặt hàng xuất khẩu đã được xuất sang nhiều nước trên thế giới. Điển hình như Công ty Cổ phần Xuất khẩu Nông sản Ninh Thuận đã đầu tư dây chuyền tự động cắt tách hạt điều nâng cao năng suất chế biến, chất lượng hàng hóa nhân hạt điều xuất khẩu, giảm chi phí giá thành sản phẩm. Công ty TNHH Thông Thuận đầu tư nâng cấp thiết bị đạt tiêu chuẩn xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản. Hiện công ty đã đầu tư xây dựng thêm nhà máy sản xuất tôm xuất khẩu số 2, với công suất 8.000 tấn thành phẩm/năm tại Cụm công nghiệp Thành Hải (Phan Rang-Tháp Chàm). Trong năm 2011, mặc dù tình hình lạm phát mạnh đã dẫn đến giá nguyên liệu và các chi phí sản xuất phụ tăng cao nên các DN xuất khẩu gặp rất nhiều khó khăn, tuy nhiên do chủ động tìm kiếm thi trường, đầu tư công nghệ sản xuất nên giá trị xuất khẩu hàng hóa ở tỉnh ta vẫn có mức tăng trưởng khá. Trong 9 tháng, kim ngạch xuất khẩu đạt 52,9 triệu USD, tăng 52% so với cùng kỳ.

Chế biến nhân hạt điều xuất khẩu. Ảnh: Văn Miên

Để xuất khẩu trong thời gian tới đạt tốc độ tăng trưởng cao và bền vững, làm động lực thúc đẩy các ngành kinh tế phát triển, gắn với hội nhập quốc tế, ngành Công Thương đã xây dựng Đề án Phát triển xuất khẩu giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020 và đã được HĐND tỉnh khóa IX thông qua trong kỳ họp lần thứ 2. Theo đó đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu các mặt hàng tỉnh ta có lợi thế như: nông sản, thủy sản, may mặc, muối, khoáng sản. Trước mắt, trong 5 năm tới, tập trung vào việc mở rộng quy mô sản xuất, tăng sản lượng, nâng cao chất lượng hàng hóa; tăng sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao. Phấn đấu đến năm 2015, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 180 triệu USD, tăng bình quân 29-30%/năm. Về cơ cấu hàng hóa xuất khẩu: Thủy sản chiếm tỷ trọng 55,56%, nông sản 27,78%, khoáng sản 6,6%, muối tinh 5,56%, còn lại là các sản phẩm may mặc, thủ công mỹ nghệ, nước yến và sản phẩm hàng hóa khác.

Để đạt được mục tiêu phát triển ngành xuất khẩu theo hướng tăng trưởng nhanh và bền vững, vấn đề đặt ra cho tỉnh ta là cần có chính sách ưu đãi hơn nữa cho lĩnh vực xuất khẩu. Trước hết cần phát triển vùng nguyên liệu tập trung, quy mô lớn theo hướng sản xuất hàng hóa, tạo cơ sở vững chắc cho công nghiệp chế biến và xuất khẩu, trong đó chú trọng công tác chuyển giao khoa học- kỹ thuật để sản xuất ra các sản phẩm sạch, chất lượng cao. Thời gian gần đây hàng thủ công mỹ nghệ trên thị trường thế giới có nhu cầu cao, tỉnh cần có chính sách đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện về vốn vay, tăng cường thông tin quảng bá sản phẩm như: gốm, thổ cẩm, mây tre, tranh gỗ ghép...để mở rộng thị trường xuất khẩu, tạo việc làm tại chỗ và tăng thu nhập cho người dân. Về phía các DN cần chủ động liên doanh, liên kết, tiếp cận thông tin để tìm kiếm cơ hội hợp tác, mở rộng thị trường xuất khẩu; đầu tư công nghệ để nâng cao chất lượng hàng hóa, đa dạng hóa mẫu mã, chủng loại đáp ứng yêu cầu thị trường. Chủ động chiến lược kinh doanh, chiến lược thị trường phù hợp với lộ trình hội nhập theo hướng giảm chi phí sản xuất, tăng sức cạnh tranh sản phẩm. Xây dựng và đăng ký thương hiệu nhằm khẳng định vị thế hàng hóa của DN trên thị trường quốc tế.

Đồng chí Nguyễn Thanh Hoan, Giám đốc Sở Công Thương:

Xuất khẩu đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế tỉnh nhà, vì vậy với chức năng là cơ quan quản lý, trong thời gian tới ngành sẽ tham mưu với tỉnh xây dựng các chính sách khuyến khích DN tham gia xuất khẩu, tháo gỡ những khó khăn cho DN trong cải cách thủ tục hành chính, đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề, giải quyết vấn đề lao động…để triển khai thực hiện hiệu quả Đề án Phát triển xuất khẩu Ninh Thuận giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020 theo từng năm, đúng với lộ trình đề ra. Phối hợp với các ngành tập trung xây dựng các đề án, dự án trong lĩnh vực xuất khẩu để kêu gọi đầu tư. Tác động để các DN củng cố năng lực sản xuất, quan tâm đến chế biến sản phẩm hàng hóa mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hỗ trợ DN về thông tin thị trường, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm thông qua các hội chợ triển lãm, hội thảo do Hiệp hội Ngành hàng điều và thủy sản tổ chức trong nước và ngoài nước để tìm kiếm thị trường, tăng cơ hội đầu tư...
Ông Đào Văn Chân, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Xuất khẩu Nông sản Ninh Thuận:

Đầu năm 2011, tình hình thiếu hụt lao động và biến động tăng giá một số mặt hàng phục vụ sản xuất, đã ảnh hưởng không nhỏ đến sản lượng và giá thành sản xuất của ngành hàng chế biến nhân hạt điều xuất khẩu. Nhưng với định hướng đầu tư đổi mới công nghệ và ổn định thị trường tiêu thụ, nên giá trị kim ngạch xuất – nhập khẩu của công ty trong 9 tháng vẫn đạt mức 37,3 triệu USD, đạt 64% kế hoạch năm. Trong thời gian tới, ngoài việc sắp xếp, tổ chức lao động hợp lý, quan tâm thực hiện tốt các chế độ, chính sách như lương, BHXH cho người lao động, Công ty tiếp tục đầu tư mở rộng thêm các nhà máy cắt tách, chế biến hạt điều ở huyện Bác Ái, ở xã Bắc Sơn (Thuận Bắc) và mở rộng nhà máy sấy nhân, buồng sấy nhân, máy nén bóc vỏ lụa, sửa chữa nâng cấp nhà máy ép dầu điều..., nhằm đưa các mặt hàng xuất khẩu của đơn vị ngày càng tăng trưởng cao và bền vững.
Ông Trương Hữu Thông, Giám đốc Công ty TNHH Thủy sản Thông Thuận:

Dù mới đi vào hoạt động vào cuối năm 2009, nhưng đến nay sản phẩm của công ty chúng tôi đã được khách hàng trong, ngoài nước ưa chuộng. Chỉ tính riêng từ đầu năm 2011 đến nay, công ty đã xuất khẩu trực tiếp sang các thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và các nước Châu Âu đạt trên 8 triệu USD. Để nâng cao năng lực sản xuất, hướng tới xuất khẩu 100%, hiện công ty đã tuyển dụng, đào tạo và sử dụng ổn định trên 800 lao động, với mức thu nhập bình quân 2,5 triệu đồng/người/tháng; đồng thời đầu tư xây dựng thêm nhà máy sản xuất số 2 rộng 3,3 ha, với công suất 8.000 tấn thành phẩm/năm. Khi đi vào hoạt động sẽ đưa giá trị xuất khẩu của công ty đạt 50 triệu USD/năm, góp phần đưa kim ngạch xuất khẩu mặt hàng thủy sản của tỉnh đến năm 2015 đạt 100 triệu USD như đề án phát triển xuất khẩu của tỉnh giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020 đã đề ra.