Godelive Ndageramiwe, 40 tuổi, là mẹ của 8 đứa con và chuẩn bị sinh đứa thứ 9. Cuộc sống của gia đình bà, tại một ngôi làng ở Burundi, khó khăn đến nỗi 3 người con phải bỏ học vì không có tiền đóng học phí. Bà cho biết: “Tôi thấy hối tiếc vì sinh nhiều con thế này. Nếu được lựa chọn, tôi sẽ chỉ sinh 2 hoặc 3 đứa”.
Một bé trai mới chào đời ở Mumbai, Ấn Độ - đất nước đông dân thứ hai thế giới. Ảnh: AP
Người nghèo bị tổn thương nhất
Vào thời điểm đứa con thứ 9 của bà Ndageramiwe chào đời, dân số thế giới sẽ lại vượt thêm một cột mốc lớn nữa. Theo Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc, vào một thời điểm nào đó từ nay cho đến cuối tháng 10, số lượng người chia sẻ các nguồn tài nguyên và đất đai của trái đất sẽ tăng lên 7 tỉ. Tại Tây Âu, Nhật Bản và Nga, cột mốc trên đạt được trong bối cảnh có những lo ngại về tỉ lệ sinh thấp và tình trạng dân số già đi. Đối với Trung Quốc và Ấn Độ, 2 nước đông dân nhất thế giới, đây sẽ là dịp đánh giá lại những chính sách đã góp phần làm giảm tốc độ sinh.
Tuy nhiên, tại châu Phi hạ Sahara, trong đó có Burundi, thông tin trên chỉ khiến người ta thêm lo lắng vì khu vực này đang phải gánh chịu những gánh nặng của một tỉ lệ sinh cao và tình trạng nghèo đói trầm trọng nhất thế giới. Dân số khu vực này hiện vào khoảng 900 triệu người nhưng có thể lên đến 2 tỉ người trong 40 năm tới nếu tỉ lệ sinh vẫn duy trì ở mức hiện tại. Ông John Bongaarts, Phó Chủ tịch Tổ chức Nghiên cứu Population Council ở New York (Mỹ), cho biết: “Trong 40 năm tới, hầu hết sự tăng trưởng dân số sẽ diễn ra ở các thành phố châu Phi. Ở những thành phố này, nhiều công dân mới sẽ chào đời tại những khu ổ chuột có các điều kiện sống rất tồi tệ”.
Nhiều chuyên gia nhận định rằng hầu hết châu Phi và những nước đang phát triển, như Afghanistan, Pakistan… sẽ đối mặt với không ít thách thức trong việc cung cấp đủ lương thực, nước sinh hoạt và việc làm cho người dân. Viện Quản lý nước Quốc tế dự báo rằng khoảng 1,8 tỉ người sẽ sống ở những nơi khan hiếm nước trầm trọng vào năm 2025. Ông Bongaarts cảnh báo: “Những sức ép mà sự gia tăng dân số gây ra đang ngày càng lớn: Giá nhiên liệu và lương thực leo thang, những tác động tiêu cực đối với môi trường, hơn 900 triệu người suy dinh dưỡng… Chính người nghèo sẽ bị tổn thương nhiều nhất”.
Lời kêu gọi hành động
Theo các nhà nhân khẩu học, dân số thế giới đạt mức 1 tỉ người vào năm 1804 và 123 năm tiếp theo vượt qua cột mốc 2 tỉ người (năm 1927). Những cột mốc tiếp theo được chinh phục với một tốc độ ngày càng nhanh: 3 tỉ người vào năm 1959, 4 tỉ người vào năm 1974, 5 tỉ người vào năm 1987 và 6 tỉ người vào năm 1998. Với đà này, Liên Hiệp Quốc dự báo rằng dân số thế giới sẽ đạt 8 tỉ người vào năm 2025 và 10 tỉ người vào 2083. Tuy nhiên, những con số này có thể thay đổi, phụ thuộc vào các yếu tố như sự kiểm soát sinh nở, tỉ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh và tuổi thọ trung bình (tăng từ 48 tuổi vào năm 1950 lên 69 tuổi hiện nay).
Giám đốc điều hành Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc Babatunde Osotimehin mô tả cột mốc 7 tỉ người là một lời kêu gọi hành động, nhất là trong vấn đề cho phép các bé gái tiếp tục học hành và cho phép phụ nữ kiểm soát số con mà họ có. Ông cho hãng tin AP biết: “Đây là cơ hội để đưa các vấn đề về dân số, quyền phụ nữ và kế hoạch hóa gia đình trở lại tâm điểm chú ý. Có 215 triệu phụ nữ trên thế giới cần kế hoạch hóa gia đình nhưng không tiếp cận được nó. Nếu chúng ta có thể thay đổi điều này và số phụ nữ nói trên có thể tự chịu trách nhiệm cuộc sống của họ, thế giới sẽ trở thành một nơi tốt đẹp hơn”.
Nguồn www.nld.com.vn