- PV: Theo quy định của nhà nước, trường hợp nào người dân được phép nuôi động vật hoang dã, mà cụ thể là heo rừng?
- Ông Trần Anh Tuấn: Heo rừng là loại động vật hoang dã thông thường, theo quy định của Nhà nước, cá nhân, tổ chức khi nuôi sinh sản, sinh trưởng loài động vật này phải có hồ sơ đăng ký, có sự giám sát, quản lý của cơ quan chức năng. Cụ thể, chủ trại nuôi phải làm đơn đăng ký nuôi sinh sản, sinh trưởng các loại động vật hoang dã; phải có hồ sơ chứng minh nguồn gốc về động vật hoang dã rõ ràng, hợp pháp. Nếu là động vật săn, bắt, bẫy từ tự nhiên về để nuôi phải được sự cho phép của cơ quan chức năng. Khi mua, bán, trao đổi phải có biên bản xác nhận về nguồn gốc của động vật hoang dã do cơ quan kiểm lâm nơi động vật hoang dã xuất bán (chỉ có cơ quan kiểm lâm mới có thẩm quyền xác nhận về nguồn gốc của động vật hoang dã). Ngoài ra phải có bản kê động vật hoang dã, đơn xin bán động vật hoang dã có nguồn gốc gây nuôi do cơ quan kiểm lâm sở tại xác nhận.
Trong các điều kiện để đảm bảo được cấp giấy chứng nhận nuôi heo rừng theo quy định thì chuồng, trại phải đảm bảo các điều kiện phù hợp với đặc tính của loài nuôi, đảm bảo an toàn cho người nuôi và người dân trong vùng, đảm bảo an toàn dịch bệnh và vệ sinh môi trường.
Sau khi có đủ hồ sơ thì Chi cục Kiểm lâm sẽ cử cán bộ Phòng Quản lý, Bảo vệ rừng, kết hợp với Thanh tra Pháp chế và Phòng Cảnh sát Môi trường-Công an tỉnh kiểm tra thực tế tại chuồng, trại nuôi động vật hoang dã thông thường, trong đó có trại nuôi heo rừng. Nếu trại nuôi đảm bảo đủ các điều kiện theo quy định nêu trên thì mới được xem xét cấp giấy chứng nhận nuôi hợp pháp.
- PV: Đối với những trường hợp không rõ nguồn gốc, không có giấy chứng nhận hợp pháp nhưng vẫn nuôi, giết thịt động vật hoang dã thông thường thì sẽ bị xử lý như thế nào?
- Ông Trần Anh Tuấn: Trại nào chăn nuôi động vật hoang dã mà không đăng ký, khi các cơ quan chức năng kiểm tra, phát hiện không có hồ sơ chứng minh nguồn gốc hợp pháp thì sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật được điều chỉnh bởi Nghị định 99/2009/NĐ-CP năm 2009 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản. Cụ thể, tại Điều 19 của Nghị định này quy định rõ: Người có hành vi săn, bắt, bẫy nuôi, nhốt, giết động vật rừng trái quy định của pháp luật tùy theo giá trị của động vật, hoặc từng bộ phận phạt tiền từ 500 ngàn đồng đến 500 triệu đồng. Trường hợp được phép nuôi động vật rừng, các loại động vật hoang dã khác nhưng vi phạm quy định về tiêu chuẩn chuồng trại nuôi bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng. Người có hành vi vi phạm còn bị tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính...
- PV: Trong thời gian qua có trường hợp nuôi, giết mổ và bán thịt heo rừng trên địa bàn phường Thanh Sơn, Tp. Phan Rang-Tháp Chàm nhưng không khai báo cho cơ quan chức năng. Vậy ngành chức năng sẽ xử lý như thế nào?
- Ông Trần Anh Tuấn: Tình trạng làm thịt và bán thịt heo rừng mà không khai báo là sai. Theo quy định khi xuất bán, giết thịt động vật hoang dã là phải thông báo với cơ quan kiểm lâm, cụ thể là xuất bán bao nhiêu con để ngành chức năng biết, quản lý. Heo rừng có nguồn gốc hợp pháp, chăn nuôi hợp pháp thì mới được bán trên thị trường. Qua thực tế đã có nhiều trường hợp vì không có kiểm lâm sở tại xác nhận cho bán nên không có đầu ra và không ai dám mua loại heo này.
Riêng ở phường Thanh Sơn, Tp. Phan Rang – Tháp Chàm, qua theo dõi của ngành chức năng thì không có trường hợp nào đăng ký nuôi heo rừng hay heo rừng lai. Như vậy phải xem lại số heo rừng đang nuôi trên địa bàn này có nguồn gốc từ đâu để có cơ sở xử lý. Nếu có nguồn gốc rõ ràng nhưng chậm đăng ký thì phải nhắc nhở, buộc hộ nuôi phải đến cơ quan chức năng đăng ký, phải có tường trình cụ thể để cơ quan chức năng xem xét. Những trường hợp hộ nuôi không đăng ký thì không có cơ sở khẳng định là nguồn heo nuôi hợp pháp. Trách nhiệm kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm này được giao cho đơn vị kiểm lâm sở tại.
- PV: Như vậy, ngành chức năng có biện pháp gì để tăng cường công tác quản lý, chấn chỉnh các trường hợp nuôi động vật hoang dã thông thường trên địa bàn tỉnh ta?
- Ông Trần Anh Tuấn: Trong những năm gần đây, ngành chức năng đã có nhiều văn bản chỉ đạo các địa phương cần tăng cường công tác kiểm tra, quản lý trại nuôi sinh sản và sinh trưởng trên địa bàn. Trong đó tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn trại nuôi lập sổ cập nhật rõ ràng về số lượng động vật hoang dã tăng (do sinh sản, do mua bổ sung thêm giống ở trại nuôi) và giảm (do xuất bán, do dịch bệnh...); phát hiện và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm về quản lý động vật hoang dã; thực hiện kiểm tra xác định cho hộ gia đình và cá nhân trong quá trình xuất nhập và bán các loại động vật hoang dã này theo đúng quy định của pháp luật.
- Xin cảm ơn ông!
PV