(NTO) Khu chợ Hoài Nhơn-Chất Thường (thường gọi là chợ Hoài-Chất) có diện tích 1.240 m2 được đưa vào hoạt động từ tháng 7 vừa qua, do chính người dân bỏ tiền xây dựng và thu hút được đông đảo tiểu thương vào hoạt động. Công trình chính của chợ là một nhà lồng có diện tích 300 m2, xung quanh là hai dãy ki-ốt được xây dựng khang trang. Trong nhà lồng, hơn 20 sạp hàng rau, cá, thịt, trái cây. Trong những ki-ốt bày đủ các loại hàng gia dụng. Đặc biệt, dù đang trong những ngày mưa, nhưng sân chợ vẫn không có chỗ đọng nước, rác được thu dọn sạch sẽ.
Ảnh: Văn Miên.
Được biết, chợ Hoài-Chất trước đây chỉ có diện tích 380 m2 nằm lọt thỏm giữa thôn Hoài Nhơn, phục vụ cho gần 1.200 hộ dân của hai thôn Hoài Nhơn và Chất Thường. Chợ đã nhỏ mà chỗ úng đọng nước thì nhiều, rác thải vung vãi khiến cho cả người mua lẫn người bán đều hết sức ái ngại. Trước tình trạng đó, UBND xã Phước Hậu đã kêu gọi tư nhân vào đầu tư xây chợ phục vụ cho bà con. Thế nhưng suốt hai năm mời gọi, nhiều người đến tìm hiểu rồi lặng im bởi chẳng ai muốn “bỏ tiền một cục, ngồi thu bạc cắc”, và cũng chưa chắc gì các tiểu thương chịu vào chợ mới. Thế rồi bà Võ Thị Lùn, 64 tuổi, một người dân của thôn Hoài Nhơn đã chấp nhận bỏ ra 300 triệu đồng để xây chợ.
Bà Lùn (ảnh) cho biết, các con cháu can ngăn dữ lắm, bởi không ai dám đảm bảo tính khả thi của dự án. Nhưng “Thấy chợ quán quê mình lụp xụp, mất vệ sinh hổng đành” nên bà và chồng quyết tâm đầu tư mà không cần đến một kế hoạch hạch toán lỗ lãi nào. Sau khi nhận bàn giao khu đất, bà Lùn đã cho san lấp mặt bằng và xây chợ theo thiết kế của UBND xã Phước Hậu. Công trình được khởi công tháng 4-2011, qua hơn hai tháng xây dựng đã hoàn tất và đưa vào sử dụng. Tuy nhiên do giá vật tư tăng nhanh nên kinh phí đầu tư đã vượt qua con số 350 triệu đồng. Trong khuôn viên chợ, bà Lùn còn phân lô (15 m2/lô) cho các tiểu thương có nhu cầu thuê xây dựng ki-ốt.
Theo hợp đồng với UBND xã Phước Hậu, bà được quyền khai thác chợ trong vòng 20 năm. Sau thời gian đó, toàn bộ khu chợ và các ki-ốt sẽ thuộc về chính quyền địa phương. Hiện nay, bà Lùn thu của các sạp buôn bán nhỏ 5.000 đồng/ngày, mỗi ki-ốt đóng 300.000 đồng/tháng. Hàng ngày, vợ chồng bà thường xuyên ở chợ để thu dọn rác, kiêm giữ gìn trật tự chợ. “Được buôn bán trong khu chợ thế này là mong mỏi bấy lâu nay của người dân địa phương. Vậy nên gia đình tôi đã không ngại bỏ ra hơn 30 triệu để xây ki-ốt buôn bán lâu dài tại đây”, anh Võ Văn Tiên, một tiểu thương hớn hở bày tỏ.
Đưa chúng tôi đi tham quan chợ, anh Huỳnh Hồng Phúc, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Hậu phấn khích nhận xét: “Đây là khu chợ khang trang nhất ở xã, hơn hết đó là thành quả của sự đồng thuận giữa chính quyền và người dân!”. Thật vậy, dù chỉ là một công trình khiêm tốn nhưng cho thấy hiệu quả của công tác xã hội hóa đầu tư phát triển chợ ở xã Phước Hậu. Hy vọng trong thời gian tới, nhiều công trình xã hội hóa nữa sẽ tiếp tục được nhân rộng tại các địa phương góp phần xây dựng nông thôn mới.
Chí Dũng