(NTO) - Phóng viên: Nhiều thông tin cho rằng, việc một số diện tích cây trồng của bà con vùng hạ lưu huyện Ninh Phước bị ngập úng trong ngày 9-10 vừa qua là do việc xả lũ của hệ thống thủy lợi Hồ Tân Giang gây nên. Đồng chí cho biết vấn đề này như thế nào?
- Đồng chí Phạm Văn Hường: Do ảnh hưởng của áp thấp trên biển Đông, nên trong các ngày 7, 8 và 9-10, trên địa bàn huyện Ninh Phước đã có mưa rất to. Lúc 18 giờ, ngày 7-10, lượng nước vượt tràn tự do của hồ Tân Giang là 0,50m, tương ứng với cao trình 118,70m, trong khi đó mực nước dâng gia cường cho phép của hồ Tân Giang chỉ 118,98m. Để đảm bảo độ an toàn của hồ, Công ty chỉ đạo Trạm Thủy nông Ninh Phước mở cửa xả lũ ở độ mở 0,40m3/giây đối với cả 3 cửa. Trước khi tiến hành xả lũ, Trạm Thủy nông Ninh Phước đã có thông báo số 35/TB-TN về việc xả lũ của hồ Tân Giang đến UBND hai huyện Ninh Phước và Thuận Nam cùng các xã, thị trấn dọc theo Sông Lu để chỉ đạo bà con chủ động phòng chống lũ, giảm nhẹ thiệt hại đến mức thấp nhất. Đến 20 giờ ngày 8-10, tại đầu nguồn Tân Giang, khu vực CK7, sông Biêu tiếp tục xảy ra mưa lớn, lượng mưa đo được ở xã Phước Hà lên đến 133,5 ly. Chỉ trong vòng 4 giờ đồng hồ lượng mưa đã làm cho mực nước của hồ Tân Giang tăng lên với cao trình 119,00m, vượt mức cho phép, nên Công ty tiếp tục thông báo cho xả lũ với độ mở 122 m3/giây, chỉ bằng 1/10 mức xả tối đa của hồ (mức xả tối đa của hồ Tân Giang là 1.030m3/giây). Trong thời điểm hồ Tân Giang xả lũ, ở hạ lưu Sông Lu mực nước vẫn đang ở mức thấp, vì thế việc xả lũ không trực tiếp gây nên ngập úng cho vùng hạ lưu. Bởi thực tế cho thấy, có một số địa phương như: Phước Hậu, Phước Thái, Phước Vinh... dù không nằm trong trục tiêu xả lũ của hồ Tân Giang nhưng sau trận mưa tối ngày 8, thì sáng ngày 9-10 cũng bị ngập. Do vậy, khách quan mà nói vì lượng mưa quá lớn, kéo dài nhiều ngày nên đã gây ra ngập úng như báo phản ảnh.
- Phóng viên: Để đảm bảo an toàn cho các hệ thống hồ thủy lợi trong mùa mưa, cũng như việc điều tiết xả lũ không gây ra thiệt hại cho người dân, đơn vị đã có kế hoạch như thế nào?
- Đồng chí Phạm Văn Hường: Xác định việc đảm bảo an toàn cho các hồ, đập và phòng, chống lũ lụt cho các vùng hạ du là vấn đề hết sức cần thiết. Ngay từ đầu năm 2011, ngoài việc phối hợp với các ngành, địa phương kiểm tra, đánh giá mức độ an toàn của các công trình trước mùa mưa lũ, để đề xuất các giải pháp gia cố, sửa chữa đảm bảo công trình hoạt động tốt trong mọi tình huống, đơn vị còn ra Quyết định thành lập Ban Chỉ huy phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn thuộc Công ty gồm 12 người, trong đó giám đốc, các phó giám đốc và trưởng, phó các phòng, trạm thủy nông các huyện, thành phố cùng tham gia. Đơn vị đã lập phương án phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn cụ thể cho từng hồ, đập, từng địa điểm xung yếu, cũng như phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên khi có lụt bão xảy ra, nhằm giảm thiểu tối đa các thiệt hại. Cùng với đó, đơn vị tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn tỉnh và các cơ quan truyền thông để nắm bắt và thông báo kịp thời mọi diễn biến của thời tiết cho người dân biết. Phối hợp với các ngành, UBND các cấp thông báo kịp thời tình hình, kế hoạch xả lũ của các hồ. Tiến hành cắm biển thông báo khu vực nằm trong phạm vi ngập lụt, lũ quét; trang bị các phương tiện thông tin như còi, kẻng... báo động cho các xã có khả năng lũ lụt chia cắt. Chỉ đạo các đơn vị quản lý các hệ thống hồ, đập lớn có cửa xả như: Sông Trâu, Sông Sắt, Tân Giang... có kế hoạch đóng, mở theo đúng quy trình để bảo vệ công trình đầu mối, cũng như đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các công trình dân sinh ở vùng hạ du.
- Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí!
Văn Thanh (thực hiện)