Nếu như năm ngoái, giải thưởng Vật lý đã thuộc về các thí nghiệm “đột phá” với vật liệu graphene hai chiều, thì giải Nobel Vật lý năm nay đã vinh danh cho sự phát hiện ra sự giãn nở vũ trụ đang tăng tốc của 2 nhà khoa học người Mỹ Adam Riess (44 tuổi), Saul Perlmutter (52 tuổi) và nhà khoa học mang hai quốc tịch Mỹ - Australia Brian Schmitt (44 tuổi).
Các nhà khoa học đoạt giải Nobel Vật lý năm 2011
Trong lúc nghiên cứu hàng chục vụ ngôi sao phát nổ (được gọi là sao băng) và tìm ra các phép đo siêu tân tinh xa xôi, các nhà khoa học này đã phát hiện ra rằng hệ thống các thiên hà đang mở rộng với tốc độ nhanh chưa từng thấy và sự giãn nở của vũ trụ không phải đang chậm đi hay đảo chiều, mà thật sự đang tăng tốc.
Phát hiện trên được công bố vào năm 1998 và đã làm thay đổi kiến thức của nhân loại về vũ trụ. Ủy ban Nobel còn cho biết thêm phát hiện trên hoàn toàn gây bất ngờ ngay cả đối với với những người phát hiện ra nó. Sự phát hiện này là tiền đề tạo ra nhiều học thuyết giải thích cho sự giãn nở của vũ trụ, nhất là “năng lượng đen huyền bí” mà đến bây giờ sự tồn tại của nó vẫn chưa được chứng minh. Theo Ủy ban Nobel, nếu quá trình giãn nở vẫn tiếp tục tăng tốc, vũ trụ sẽ biến thành băng.
Theo AFP, tổng giải thưởng dành cho giải Nobel Vật lý năm nay là 10 triệu Kronor (tương đương 1,45 triệu USD), trong đó một nửa giải sẽ thuộc về Saul Perlmutter, nhà khoa học trong Dự án Vũ trụ học Siêu tân tinh tại Phòng thí nghiệm Quốc gia Lawrence Berkeley thuộc đại học California. Một nửa giải còn lại được chia đều cho ông Brian Schmidt thuộc Nhóm Nghiên cứu Siêu tân tinh ở đại học Quốc gia Australia và Adam G. Riess thuộc Nhóm Nghiên cứu Siêu tân tinh thuộc đại học Johns Hopkins và Viện Khoa học Kính viễn vọng Vũ trụ ở Baltimore.
Nguồn Báo SGGP