Một chiến dịch bảo tồn năm ngoái tại Việt Nam khiến người dân hiểu rõ hơn về nguy cơ tuyệt chủng của loài hổ. Giờ đây Nguyễn Trung Kiên, một người làm việc trong đại sứ quán Việt Nam tại Nam Phi, hy vọng một chiến dịch tương tự sẽ thu hút sự chú ý của dư luận Việt Nam tới số phận của tê giác Nam Phi, The Independent cho biết.
Một bầy tê giác ở Nam Phi. Ảnh: Flickr.
“Hổ rất gần gũi với người dân Việt Nam vì nó là một trong 12 con giáp trong âm lịch. Chiến dịch năm ngoái rất tốt bởi vì người dân nhận ra tầm quan trọng của việc bảo vệ hổ. Nhiều thanh niên đã tham gia chiến dịch”, ông Kiên nói.
Các bộ phận của hổ và tê giác đều được sử dụng làm thuốc ở châu Á. Vì thế Kiên nhận ra rằng mọi nỗ lực ngăn chặn hành vi sử dụng sừng tê giác đều chống lại niềm tin từ xa xưa của người dân.
“Tại Việt Nam, người dân không biết nhiều về tê giác. Nhưng khoảng một tỷ người (bao gồm dân số của Việt Nam và các nước xung quanh) thường xuyên sử dụng thuốc đông y và họ tin rằng sừng tê giác có thể chữa bệnh”, Kiên nhận định.
Ông Kiên là một trong những nhà ngoại giao Việt Nam vừa gặp các quan chức của Bộ Các vấn đề môi trường Nam Phi (DEA) để ký kết một thỏa thuận về bảo vệ tê giác Nam Phi. Thỏa thuận ra đời trong bối cảnh 311 con tê giác bị bọn săn trộm quốc tế bắn và cưa sừng từ đầu năm tới nay.
Fundisile Mketeni, phó tổng giám đốc phụ trách đa dạng sinh học và bảo tồn của DEA, thông báo trong một buổi họp báo hôm qua rằng Nam Phi sẽ tiếp tục thảo luận với Trung Quốc và Thái Lan – những nước tiêu thụ nhiều sừng tê giác – để giảm số vụ tàn sát loài động vật này.
“Chúng tôi biết bảo vệ tê giác là thách thức lớn. Nhưng chúng tôi không chỉ bảo vệ tê giác. Trong tương lai Nam Phi sẽ bảo vệ cả voi. Trọng tâm của chúng tôi là những vấn đề lớn của động vật hoang dã và sự tàn sát tê giác trái phép”, Mketeni phát biểu.
Vị trưởng đoàn đại biểu Việt Nam trong cuộc họp với DEA nói rằng Việt Nam chưa có chiến dịch về nạn săn bắn tê giác. Ông cũng thừa nhận rằng ở Việt Nam, người dân tin rằng sừng tê giác có thể chữa ung thư.
“Bản thân tôi không tin vào điều đó. Một viện nghiên cứu của chúng tôi đang tìm hiểu xem sừng tê giác có thể chữa ung thư hay không và kết quả sẽ được công bố rộng rãi”, ông nói.
Nhưng ông Kiên cho rằng người dân châu Á rất tin vào đông dược.
“Trong lĩnh vực y học cổ truyền, người ta học bằng kinh nghiệm. Nếu cách đây hàng nghìn năm, một thầy lang nào đó nói sừng tê giác có thể chữa ung thư thì ngày nay người dân vẫn tin”, Kiên giải thích.
Nguồn VnExpress.net