Tăng cường phối hợp hoạt động khoa học - công nghệ giữa 3 tỉnh: Lâm Đồng - Ninh Thuận - Bình Thuận

Ngày 30-9, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức Hội nghị đánh giá 1 năm thực hiện chương trình hợp tác KH&CN giữa 3 tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận và Lâm Đồng. Tham dự hội nghị còn có đại diện lãnh đạo của một số đơn vị nghiên cứu khoa học, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.

(NTO) Qua hơn 1 năm triển khai, chương trình hợp tác bước đầu đã tạo điều kiện thuận lợi cho của 3 tỉnh trao đổi kinh nghiệm, tiếp cận, nắm bắt những thông tin mới trong lĩnh vực KH&CN, công tác tiêu chuẩn-đo lường-chất lượng; hỗ trợ nhau trong việc nghiên cứu, giới thiệu các ứng dụng KH&CN trong sản xuất nông nghiệp, công nghiệp chế biến... qua đó mỗi địa phương có thể chọn lọc và đưa các tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến, phù hợp vào thực tiễn tại địa phương mình.

Nhằm nâng cao hiệu quả chương trình hợp tác, trong năm tới, Sở KH&CN của 3 tỉnh sẽ đẩy mạnh hơn nữa việc trao đổi thông tin, thường xuyên tổ chức trao đổi, học tập kinh nghiệm, hỗ trợ cho nhau trong việc chuyển giao, ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học. Các sở có trách nhiệm giới thiệu các chuyên gia, cán bộ khoa học giỏi tham gia phản biện nghiệm thu đề tài dự án KH&CN khi có yêu cầu; tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp của 3 tỉnh tham quan, tìm hiểu các mô hình ứng dụng tiến bộ KH&CN trong sản xuất kinh doanh, học tập kinh nghiệm sản xuất các ngành nghề là thế mạnh của địa phương mình.

Ông Lê Xuân Thám, Phó Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Lâm Đồng:

Chỉ qua hơn 1 năm triển khai, tuy nhiên chúng tôi nhận thấy được nhiều lợi ích do chương trình hợp tác mang lại, đặc biệt trong việc trao đổi thông tin KH&CN. Tuy nhiên, trong thời gian tới, các sở cần hỗ trợ nhau nhiều hơn trong công tác chuyển giao, ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học. Riêng với tỉnh Lâm Đồng, chúng tôi rất cần các tỉnh bạn chia sẽ thông tin, kinh nghiệm trong công tác thực thi quyền sở hữu trí tuệ, đưa tiến bộ KHKT vào sản xuất trong các lĩnh vực nông nghiệp, năng lượng, công nghệ sinh học vào đời sống người dân ở địa phương.





 
Ông Văn Công Thới, Phó Giám đốc Sở KH&CN Bình Thuận:

Mặc dù đã có nhiều nỗ lực, tuy nhiên cũng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng nội dung chương trình hợp tác của 3 sở thời gian qua vẫn còn khiêm tốn so với tiềm năng của các sở. Trong thời gian tới, các sở cần tăng cường tổ chức nhiều đợt học tập, trao đổi kinh nghiệm thực tế trong việc nghiên cứu, ứng dụng KH-CN. Sau mỗi đợt học tập phải có sơ kết, tổng kết đánh giá cụ thể nhằm rút kinh nghiệm và nâng cao hiệu quả hợp tác. Tôi rất phấn khởi vì tại hội nghị lần này, Sở KH&CN Ninh Thuận còn mời thêm thành phần tham dự là đại diện các đơn vị nghiên cứu khoa học, các doanh nghiệp. Điều này hết sức hữu ích và đây là kinh nghiệm hay giúp chúng tôi tổ chức tốt hơn Hội nghị chương trình hợp tác giữa 3 tỉnh lần III tại Bình Thuận vào năm sau.




 
Ông Ngô Tuấn Kiệt, Tiến sỹ, Viện trưởng Viện Khoa học Năng lượng, Viện KH&CN Việt Nam:

Tôi rất vui mừng vì thông qua hội thảo lần này, Viện đã có thêm nhiều thông tin bổ ích, được học hỏi kinh nghiệm nghiên cứu khoa học của các đơn vị bạn, nắm bắt nhu cầu KH&CN của các doanh nghiệp, qua đó giúp chúng tôi có cơ sở thực tiễn đề xuất ra những đề tài nghiên cứu phù hợp với nhu cầu thực tế. Chúng tôi cũng rất mong muốn trong thời gian tới, Sở KH&CN các tỉnh cần chủ động phối hợp với các đơn vị nghiên cứu, trao đổi thảo luận và xây dựng các chương trình hợp tác KH&CN song phương và đa phương, phát huy vai trò cầu nối giữa các đơn vị nghiên cứu và các doanh nghiệp, góp phần tích cực đưa thành tựu nghiên cứu vào phục vụ nhu cầu thực tiễn.