Biển Chết là hồ có nồng độ muối cao nhất và là cũng là khu vực thấp nhất trên bề mặt trái đất. Nằm giữa Jordan, Israel và PalestinE, Biển Chết là nơi nghỉ mát lý tưởng đối với du khách bởi dù không biết bơi họ cũng không bao giờ bị chìm do độ mặn rất cao. Tuy nhiên, đó lại là trở ngại vô cùng lớn cho các thợ lặn nếu muốn xuống dưới đáy biển. Cá, ếch và những loài động vật bậc cao dưới nước không thể sống trong Biển Chết.
National Geographic đưa tin một nhóm chuyên gia của Đại học Ben-Gurion, tại Israel đã lặn xuống đáy Biển Chết để thám hiểm. Ở độ sâu khoảng 30 m, họ phát hiện nước ngọt phun ra từ nhiều hố có chiều rộng chừng 10 m và chiều sâu 13 m. Những hố đó được bao phủ bởi thảm vi sinh vật và một số hố chứa những chủng vi khuẩn mà giới khoa học chưa từng biết.
Thảm sinh vật bao phủ viên đá trong tay một nhà nghiên cứu. Ảnh: National Geographic.
Ông Danny Ionescu, một nhà khoa học của Viện Max Planck tại Đức và cũng tham gia chuyến thám hiểm, nói rằng sự tồn tại của các vi sinh vật dưới đáy Biển Chết khiến nhóm chuyên gia ngạc nhiên, bởi từ lâu giới khoa học nghĩ rằng sự sống không tồn tại ở đó.
“Mặc dù không có loài cá nào sống được trong nước Biển Chết, song thảm vi sinh vật bao phủ phần lớn đáy biển lại rất phong phú về chủng loại”.
Trước kia Biển Chết nhận nước ngọt từ sông Jordan và nhiều dòng suối. Do hồ nước trong hồ không thể chảy ra bất kỳ sông hay suối nào nên nước chỉ thoát khỏi hồ bằng cách bốc hơi. Muối không thể bốc hơi theo nước nên độ mặn của nước trong hồ tăng dần.
Do sông Jordan ngày càng thu hẹp, lượng nước ngọt chảy vào Biển Chết cũng giảm dần. Nhóm nghiên cứu cho rằng ngày nay mực nước của Biển Chết giảm tới một mét mỗi năm. Các nghiên cứu khác cho thấy mực nước trong Biển Chết đã giảm tới 25 m trong vòng 40 năm qua.
Nguồn VnExpress.net