Đại học tư thục được cấp kinh phí khi thực hiện nhiệm vụ do Nhà nước đặt hàng

Sáng ngày 30-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe và cho ý kiến về dự án Luật Giáo dục đại học. Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng chủ trì phiên họp.

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận đã trình bày Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Giáo dục đại học. Theo Tờ trình, Luật Giáo dục đại học là luật chuyên ngành đầu tiên quy định về tổ chức, hoạt động giáo dục đại học; cụ thể hóa những nội dung quy định còn mang tính khái quát của Luật Giáo dục về giáo dục đại học như về nhiệm vụ, quyền hạn của trường đại học; về mở ngành đào tạo, tuyển sinh; quyền và nhiệm vụ của giảng viên…

Nhiều nội dung quy định không còn phù hợp về giáo dục đại học trong Luật Giáo dục đã được sửa đổi, bổ sung trong dự thảo Luật Giáo dục đại học; những vấn đề chưa được quy định hoặc quy định chưa rõ trong Luật Giáo dục đã được quy định mới và cụ thể hóa. Đơn cử, Luật Giáo dục đại học đã bổ sung quy định về cách xác định chỉ tiêu tuyển sinh. “Chỉ tiêu tuyển sinh được xác định trên cơ sở các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục, gồm: số lượng và chất lượng đội ngũ giảng viên; cơ sở vật chất và thiết bị”.

Một nội dung hoàn toàn mới khác được quy định trong dự thảo Luật Giáo dục đại học là “cơ sở giáo dục đại học tư thục được cấp kinh phí khi thực hiện nhiệm vụ do Nhà nước đặt hàng”.

Cũng liên quan đến cơ sở giáo dục đại học tư thục, khoản 4, Điều 10 của dự luật nêu: “Ưu tiên thành lập cơ sở giáo dục đại học tư thục có vốn đầu tư lớn, đảm bảo đầy đủ các điều kiện thành lập theo quy định”. Định hướng gắn kết giữa đào tạo với nghiên cứu, giữa cơ sở đào tạo với doanh nghiệp cũng đã được thể hiện cụ thể trong dự thảo Luật…

Thẩm tra về dự án này, Báo cáo của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của quốc hội thẳng thắn nhận định: nhiều chủ trương, chính sách quan trọng như xã hội hóa giáo dục, phân tầng các cơ sở giáo dục đại học và trao quyền tự chủ cho các cơ sở Giáo dục đại học còn chưa được thể chế hóa. Một số vấn đề lớn của Giáo dục đại học như về mô hình tổ chức hoạt động, kiểm định chất lượng giáo dục, đào tạo quốc tế… vẫn chưa được giải quyết thấu đáo, triệt để.

Đặc biệt, Ủy ban Văn hóa Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ tiêu chí về cơ sở giáo dục “phi lợi nhuận” và cơ sở giáo dục “có lợi nhuận hợp lý”. “Làm rõ hai khái niệm này mới có cơ sở để xây dựng cơ chế chính sách phù hợp khuyến khích các cơ sở giáo dục phi lợi nhuận và điều chỉnh hoạt động của cơ sở giáo dục có lợi nhuận hợp lý nhằm tránh khuynh hướng thương mại hóa giáo dục, bảo vệ quyền lợi của người học nói riêng và xã hội nói chung”, ông Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng giải thích. Một nội dung quan trọng khác cần đưa vào Luật, theo ông Thi, là miễn thuế cho các khoản hiến tặng của tổ chức và cá nhân cho các trường đại học công lập hoặc đại học tư thục phi lợi nhuận.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng bày tỏ đồng tình cao với Báo cáo thẩm tra. Ông Dũng nói thêm: “Rất cần có sự đổi mới trong nhận thức để thu hút đầu tư vào lĩnh vực này. Hàng năm người Việt Nam phải tiêu tốn một khoản tiền rất lớn, hàng trăm triệu USD để ra nước ngoài học đại học. Nếu nâng cao chất lượng giáo dục đại học trong nước thì khoản tiền đó có thể giữ lại được. Và điều thuận lợi là ta đã có những trường đại học có tên tuổi, uy tín”.

 

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý nhấn mạnh yêu cầu đảm bảo tính thống nhất giữa Luật Giáo dục đại học với Luật Giáo dục và Luật Viên chức. Ông Lý đã chỉ ra một số điểm “khập khiểng” giữa các văn bản luật này để Ban soạn thảo nghiên cứu, xử lý.

Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai nhận định, phải có một “mức sàn” về giảng viên, điều kiện vật chất… để đảm bảo chất lượng của giáo dục đại học. “Đầu vào hiện nay thì khó, nhưng đầu ra lại dễ. Đó là một nghịch lý khiến cho “sản phẩm” của giáo dục đại học hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu xã hội”, điều này cần được sửa đổi, bà nói.

Nếu được thông qua đúng quy trình, Luật Giáo dục đại học sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2013.

Nguồn Báo SGGP