Có nhiều yếu tố khiến kinh tế các nước Đông Nam Á trở thành điểm sáng. Xinhgapo là một trung tâm thương mại và tài chính. Chính phủ nước này vẫn duy trì cơ chế thuế thấp, chi phí y tế và lương hưu được thực hiện thông qua Quỹ tiết kiệm trung ương. Quốc đảo Sư tử này cũng có cách tiếp cận đầy sáng tạo đối với chính sách xã hội. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Xinhgapo dự kiến sẽ là 5% trong năm 2011 và 4,9% trong năm 2012- một tốc độ rất nhanh và Xinhgapo đã được ví là "Thụy Sĩ ở châu Á".
Sau khi ổn định chính phủ, Thái Lan tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước này sẽ là 4,5% trong năm 2011 và 2012. Thái Lan là điểm cung cấp phụ tùng ưa thích của các nhà sản xuất Nhật Bản và là nền kinh tế có khả năng cạnh tranh cao. Trong khi đó, Inđônêxia, với 250 triệu dân và nguồn tài nguyên nguyên liệu khổng lồ, dự kiến sẽ tăng trưởng 6,5% trong năm 2011 và 6,3% trong năm 2012. Malaixia, nước giàu có về nguyên liệu và có một lĩnh vực sản xuất lớn, kỹ năng cao, dự báo sẽ tăng trưởng 4,5% trong năm 2011 và 4,4% trong năm 2012.
Hiện bức tranh kinh tế toàn cầu khá ảm đạm, với kinh tế Mỹ suy giảm, tăng trưởng kinh tế của châu Âu đình trệ. Ôxtrâylia và Canađa, hai nước mạnh về lĩnh vực khoáng sản và năng lượng, cũng đang tăng trưởng chậm lại do nhu cầu yếu ở các nước phương Tây giàu có. Trong khi đó, nhiều nước mới nổi đang đối mặt với nguy cơ lạm phát.