(NTO) Thực tế cho thấy để nâng cao ý thức cho học sinh các cấp học chấp hành nghiêm túc các quy định khi tham gia giao thông là không dễ.
Hình ảnh thường xuyên nhìn thấy là tình trạng học sinh đi hàng ba, hàng tư khi đến trường cũng như tan trường; chạy xe đạp “phóng nhanh”, “lạng lách”, “đua” nhau trên đường mà không cần nghĩ đến hậu quả; chạy xe đạp điện nhưng không đội mũ bảo hiểm, chở hai, ba người chạy hết tốc độ. Một số học sinh còn tự mình đi xe máy đến trường, thậm chí có học sinh còn học THCS!... Những hình ảnh này không có gì là mới, mặc dù nhà trường thường xuyên nhắc nhở, trong các giờ học ngoại khóa về Luật Giao thông Đường bộ các em cũng được lưu ý thế nhưng đâu vẫn vào đó. Tại sao ?
Theo tìm hiểu của chúng tôi, đầu tiên vẫn là do tính bồng bột của tuổi học trò, thích làm nổi của một bộ phận học sinh… mà không lường được hậu quả cho bản thân và cả gây ra cho người khác. Thứ hai, đa số các trường đều nằm ở các trục đường chính nên nhất là vào giờ tan trường thường diễn ra cảnh kẹt xe, một phần là do học sinh ra ồ ạt, một phần do các phụ huynh đón con em dẫn đến ách tắc giao thông. Thứ ba, thiếu xử lý kiên quyết của cơ quan, chức năng và cả nhà trường đối với các trường hợp vi phạm dù rằng đã có các chế tài cụ thể như thông báo cho nhà trường các trường hợp học sinh vi phạm… Thứ tư, về phía gia đình thiếu quan tâm và vô tình đã tạo điều kiện cho con em vi phạm, đơn cử như cho sử dụng xe gắn máy để đi học mặc dù chưa đủ tuổi.
Để khắc phục các trường hợp trên, ngành Giáo dục nói chung và các trường nói riêng cần cụ thể hóa Nghị quyết 88 của Chính phủ phù hợp với thực tế của địa phương, nhà trường. Ngoài ra, yếu tố cũng không kém phần quan trọng là hơn ai hết các bậc phụ huynh cần quan tâm giáo dục con em khi tham gia giao thông phải đúng luật, kiên quyết không để các em sử dụng xe gắn máy để đi học và cả các sinh hoạt khác… Có như vậy, vừa góp phần tạo cho các em ý thức về an toàn giao thông vừa hạn chế đến mức thấp nhất các tai nạn đáng tiếc xảy ra.
Tuấn Dũng