KỶ NIỆM 15 NĂM THÀNH LẬP HỘI KHUYẾN HỌC VIỆT NAM (2-10)

Đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập, tạo điều kiện cho người dân học tập suốt đời

Đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, Đại hội lần thứ VI của Đảng đã khẳng định mục tiêu của nền giáo dục nước ta là phải: “Nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài”.

(NTO) Thực hiện chủ trương của Đảng, ngày 29-2-1996, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 122/TTg cho phép thành lập Hội Khuyến học Việt Nam. Quyết định phản ánh sâu sắc đường lối giáo dục là sự nghiệp của dân, do dân, vì dân, lấy tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục làm nền tảng. Sự ra đời của Hội Khuyến học Việt Nam là sự tiếp nối truyền thống hiếu học của dân tộc ta; tiếp nối các phong trào: Đông Kinh Nghĩa Thục, Truyền bá Quốc ngữ, xoá mù chữ, bình dân học vụ, bổ túc văn hoá diễn ra sôi nổi và rất thành công trong các giai đoạn chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược trước đây của dân tộc ta, động viên toàn dân học tập, đáp ứng yêu cầu nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, phục vụ CNH, HĐH đất nước và hội nhập quốc tế.

Phạm Hồng Cường
Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh

Đại hội lần thứ I thành lập Hội Khuyến học Việt Nam được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội vào năm 1996, xác định 3 nhiệm vụ chính trị quan trọng là: Hỗ trợ, khuyến khích các hoạt động của hệ thống giáo dục ban đầu (hệ thống giáo dục chính quy, từ mầm non đến đại học); Làm nòng cốt trong việc xây dựng xã hội học tập để chăm lo việc học cho người lao động, con em người lao động nhằm hoàn thiện học vấn, hoàn thiện tay nghề và hoàn thiện nhân cách hình thành ban đầu trong nhà trường, tạo điều kiện để toàn xã hội học tập suốt đời, đáp ứng nhu cầu CNH, HĐH đất nước và địa phương; Tư vấn, giám định, phản biện xã hội về giáo dục, trên cơ sở tập hợp ý kiến của đông đảo các nhà giáo dục, nhà khoa học và những người tâm huyết với sự nghiệp giáo dục, kiến nghị với Đảng, chính quyền, ngành giáo dục cùng cấp về các chủ trương, chính sách, biện pháp phát triển giáo dục, hình thành xã hội học tập.

Từ năm 2007 đến 2010, toàn tỉnh thu hút 23.938 gia đình đăng ký danh hiệu Gia đình hiếu học,
trong đó có 17.369 gia đình được công nhận Gia đình hiếu học.
Trong ảnh: Gia đình Bà Lê Thị Mùa, ở khu phố 4, phường Văn Hải, Tp. Phan Rang - Tháp Chàm
là Gia đình tiêu biểu trong phong trào hiếu học của tỉnh. Ảnh: V.M

Hội Khuyến học tỉnh ta mới hoạt động hơn 9 năm, nhưng đã nhanh chóng phát triển, phủ kín mạng lưới cơ sở hội từ tỉnh, huyện, thành phố, đến thôn, khu phố, trường học, mở rộng ra nhiều cơ quan, doanh nghiệp, các tổ chức từ thiện nhân đạo..... Tính đến tháng 6 năm 2011, toàn tỉnh có 1.234 chi hội, với 82.996 hội viên. Hoạt động của Hội Khuyến học phong phú cả hình thức lẫn nội dung để hỗ trợ giáo dục chính quy trong các trường học, vận động nhân dân đưa con em đi học đúng độ tuổi, hạn chế lưu ban bỏ học, động viên tinh thần chăm học, cấp học bổng, hỗ trợ học sinh, sinh viên nghèo, khuyết tật, mồ côi... Phong trào xây dựng các mô hình xã hội học tập, trọng tâm là phong trào gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học, trung tâm học tập cộng đồng luôn được xác định là nhiệm vụ trọng tâm. Đến năm 2010, tỉnh ta có 65/65 xã, phường, thị trấn có Trung tâm Học tập Cộng đồng. Phong trào xây dựng gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học phát triển khá sôi nổi, mở rộng ở các thôn làng, khu phố, trường học, dòng họ, gia đình, cơ quan với hơn 23.938 gia đình đăng ký xây dựng gia đình hiếu học, trong đó 17.369 gia đình đã được công nhận gia đình hiếu học. Đến tháng 6-2011, Quỹ Khuyến học các cấp vận động bằng tiền gần 17 tỷ đồng; cấp gần 1.300 suất học bổng trị giá gần 400 triệu đồng cho học sinh nghèo vượt khó; khen thưởng, hỗ trợ cho gần 15.000 học sinh và thầy, cô giáo với số tiền hơn 800 triệu đồng. Ngoài ra, Hội Khuyến học cũng vận động các tổ chức, cá nhân trao học bổng, hỗ trợ sách vở, gạo cho học sinh các trường khó khăn ở Ninh Sơn, Bác Ái, tặng 400 xe đạp cho học sinh nghèo vượt khó...

Năm 2011 là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII; là năm tổ chức Đại hội Hội Khuyến học các huyện, thành phố tiến tới Đại hội Hội Khuyến học tỉnh thứ III nhiệm kỳ (2012 – 2017). Nghị quyết Đại hội Đảng đã xác định công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng cả nước thành một xã hội học tập phát triển mạnh cả quy mô lẫn chất lượng, thực sự trở thành phong trào lớn mạnh của đất nước, tạo nền tảng và động lực mạnh mẽ đẩy nhanh CNH, HĐH đất nước và hội nhập quốc tế. Hội Khuyến học các cấp trong tỉnh sẽ tiếp tục nỗ lực hoàn thành tốt các nhiệm vụ trọng tâm: Tiếp tục phát triển hơn nữa các tổ chức hội ở cơ sở, nhất là các chi hội, tăng số hội viên; Đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ trường học trong hệ thống giáo dục chính quy nhằm đẩy mạnh phong trào thi đua “Học thật tốt, dạy thật tốt”; Mở rộng các hình thức xây dựng Quỹ Khuyến học ở các cơ sở... Với quyết tâm hoàn thành sứ mệnh cao cả mà Đảng và nhân dân giao phó, Hội Khuyến học tỉnh thực sự là lực lượng nòng cốt trong công tác tham mưu với cấp uỷ, chính quyền và phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị, xã hội để thực hiện có hiệu quả phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng cả tỉnh thành một xã hội học tập.